Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung: Tầm nhìn quy hoạch và khát vọng bứt phá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hoàn thành khối lượng công việc đồ sộ với hàng loạt quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 trong năm 2023, các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đang hồ hởi bước vào năm mới 2024 với nhiều hy vọng và dự cảm tốt lành về sự phục hồi kinh tế, phát triển ổn định, mạnh mẽ và bền vững.
Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững, mạnh về kinh tế biển; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn ngang tầm khu vực châu Á. Ảnh: Hoàng Hà
Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững, mạnh về kinh tế biển; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn ngang tầm khu vực châu Á. Ảnh: Hoàng Hà

Từ bệ phóng hành lang, vùng động lực kinh tế mới

Là địa phương đầu tiên của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung theo chiều Bắc - Nam, quy hoạch tỉnh Thanh Hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 153/QĐ-TTg vào tháng 2/2023 đã hoạch định 6 hành lang kinh tế gồm: hành lang ven biển; Bắc - Nam; đường Hồ Chí Minh; Đông - Bắc; hành lang kinh tế trung tâm và hành lang kinh tế quốc tế. Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, với việc tập trung phát triển 6 hành lang kinh tế lớn, Thanh Hóa hướng đến kết nối với Thủ đô Hà Nội, các tỉnh phía Bắc, Bắc Trung Bộ và nước bạn Lào. Bên cạnh đó, là quy hoạch 4 trung tâm kinh tế động lực phía Nam (Khu kinh tế Nghi Sơn, trọng tâm là lọc hoá dầu); TP. Thanh Hoá (trung tâm); phía Tây (Lam Sơn - Sao Vàng) và Vùng kinh tế động lực phía Bắc. “Thanh Hóa mong muốn và kỳ vọng các doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ tích cực nghiên cứu, tìm hiểu về tiềm năng, lợi thế đầu tư của Tỉnh, thấy rõ định hướng phát triển và hợp tác đầu tư trên cơ sở các thông tin của Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa”, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa mong muốn.

Bên cạnh Thanh Hóa, Nghệ An cũng định hướng phát triển 2 khu vực động lực tăng trưởng, gồm TP. Vinh mở rộng và Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An mở rộng; 3 đột phá chiến lược; 4 hành lang kinh tế 4 gồm: hành lang kinh tế ven biển phía Đông, hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh, hành lang kinh tế Quốc lộ 48A, hành lang kinh tế Quốc lộ 7A; 5 ngành, lĩnh vực trụ cột: công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kinh tế biển và 6 trung tâm đô thị.

Tại Hà Tĩnh, ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND Tỉnh cho biết, quy hoạch định hướng phát triển 3 trung tâm đô thị: trung tâm đô thị xung quanh TP. Hà Tĩnh, trung tâm đô thị phía Bắc là thị xã Hồng Lĩnh, trung tâm đô thị phía Nam với hạt nhân là thị xã Kỳ Anh. Tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh 4 ngành kinh tế, gồm: công nghiệp luyện thép, công nghiệp hỗ trợ, chế tạo sau thép và sản xuất điện; nông, lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ logistics; du lịch. Đồng thời, phát triển kinh tế theo 3 hành lang: kinh tế đồng bằng ven biển gắn với Quốc lộ 1, cao tốc Bắc - Nam và đường ven biển; hành lang kinh tế dọc Quốc lộ 8 từ thị xã Hồng Lĩnh đến Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo; hành lang kinh tế trung du và miền núi phía Tây gắn với đường Hồ Chí Minh.

Với Quảng Bình, quy hoạch theo công thức 4-2-3-3 đã được Tỉnh hoàn thiện để tạo đà cho giai đoạn tăng tốc dài hơi. Ông Trần Thắng, Chủ tịch tỉnh Quảng Bình cho biết, công thức trên thể hiện cho 4 trụ cột phát triển kinh tế, 2 trung tâm động lực tăng trưởng, 3 trung tâm đô thị và 3 hành lang kinh tế.

Theo Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh, quy hoạch Đà Nẵng hình thành 2 vành đai kinh tế trên cơ sở kết nối 4 cụm việc làm nhằm tạo ra các cơ hội liên kết gồm: vành đai kinh tế phía Bắc (vành đai công nghiệp công nghệ cao và cảng biển - logistics); vành đai kinh tế phía Nam (vành đai đổi mới sáng tạo và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao). Bên cạnh đó là 7 cực, trung tâm phát triển gồm: trung tâm thành phố; trung tâm công nghiệp công nghệ cao; trung tâm cảng biển và dịch vụ logistics; trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng biển tại các khu vực ven biển quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Liên Chiểu và trung tâm du lịch vui chơi giải trí phức hợp và kinh tế đêm tại Hải Châu, Thanh Khê; trung tâm dịch vụ đào tạo và nghiên cứu; trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; các khu du lịch sinh thái núi.

Ở Duyên hải miền Trung, Khánh Hòa là địa phương đã công bố quy hoạch với việc xác định các vùng động lực phát triển như khu vực vịnh Vân Phong; khu vực vịnh Cam Ranh… Ninh Thuận sẽ có 4 vùng lãnh thổ, 3 vùng động lực, 3 hành lang phát triển kinh tế. Điểm nhấn kinh tế trong giai đoạn này của Tỉnh là quy hoạch 2 nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.

Đến cùng một mục tiêu thịnh vượng

Trong các quy hoạch địa phương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 hoặc 2050 đã được Chính phủ phê duyệt, mục tiêu tổng quát là phát triển toàn diện, hiện đại từng tỉnh, thành trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, hướng đến tăng trưởng ở mức 2 con số.

Trong đó, Thanh Hóa đặt mục tiêu trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước. Nghệ An đặt mục tiêu đến năm 2050 là tỉnh phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại của cả nước và mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; là động lực phát triển quan trọng của khu vực Bắc Trung Bộ.

Hà Tĩnh thể hiện khát vọng thành cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao nhất cả nước, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 9%/năm; phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại ổn định, bền vững.

Tận dụng vị trí địa lý, tiềm năng về du lịch, công nghiệp năng lượng tái tạo, kinh tế biển…, Quảng Bình chọn trở thành điểm kết nối quan trọng trong ngã tư kinh tế Bắc - Nam, Đông - Tây (hướng ra biển); đến năm 2050 là tỉnh công nghiệp, phát triển toàn diện, bền vững, một cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước.

Trong khi đó, ở vị trí trung điểm của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Đà Nẵng xác định là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á với vai trò là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; là thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, khu vực Bắc Tây Nguyên và đạt đẳng cấp khu vực châu Á.

Quảng Ngãi phấn đấu đến 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; Bình Định vươn lên nhóm dẫn đầu và Khánh Hòa hướng đến thành thành phố trực thuộc Trung ương; trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp - công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao;…

Với hàng loạt quy hoạch dựa trên lợi thế, bản sắc riêng từng vùng, miền, ấp ủ khát vọng lớn lao sẽ mở ra những cơ hội phát triển mới thuận xu thế thời cuộc. Đón chào năm 2024 trong niềm tin mãnh liệt những khát vọng phát triển sẽ từng bước được hiện thực hóa.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư