Ba mũi giáp công chấn hưng nền kinh tế

(BĐT) - Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (Hội nghị TW 5) vừa kết thúc để lại ấn tượng mạnh mẽ. Hiếm có Hội nghị TW nào dành đến ba Nghị quyết chuyên đề có ý nghĩa cốt yếu, đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, sự phát triển doanh nghiệp nói riêng.
Kinh tế tư nhân được thừa nhận "là một động lực quan trọng" để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ảnh: Lê Tiên
Kinh tế tư nhân được thừa nhận "là một động lực quan trọng" để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ảnh: Lê Tiên

Giải phóng sức sản xuất

Ba Nghị quyết chuyên đề về kinh tế được Trung ương ban hành tại Hội nghị lần này được đánh giá là 3 mũi giáp công chấn hưng nền kinh tế.

Trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết đã nhấn mạnh Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các công cụ, chính sách và các nguồn lực của Nhà nước để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển và bảo vệ tài nguyên, môi trường. Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường. Trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương lần này, toàn hệ thống chính trị cần tiếp tục thống nhất nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra.

Nếu Nghị quyết "Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" đề ra một trong nhiều nội dung quan trọng là yêu cầu toàn hệ thống chính trị thống nhất nhận thức và tổ chức thực hiện đồng bộ nhằm tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng thì Nghị quyết về "Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước" hướng tới đẩy mạnh chuyển đổi hầu hết DNNN thành DN có cơ cấu sở hữu hỗn hợp, chủ yếu là DN cổ phần, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu. Thực hiện công khai, minh bạch, theo cơ chế thị trường chủ yếu thông qua thị trường chứng khoán việc thoái vốn tại các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn nhà nước hoặc không cần tham gia đầu tư để tập trung vốn cho đầu tư phát triển những lĩnh vực then chốt, những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh, những lĩnh vực mà DN thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Tập trung xử lý dứt điểm các tập đoàn, tổng công ty, DN, các dự án, công trình đầu tư không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, kể cả bằng biện pháp giải thể, phá sản.

Cơ cấu lại, đổi mới các DNNN đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị DN; thật sự hoạt động theo cơ chế thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng với DN thuộc các thành phần kinh tế khác theo quy định của pháp luật; bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. 

Phát triển khu vực tư nhân xứng tầm

Cần tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế tư nhân, coi đây là yêu cầu tất yếu, khách quan trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Mặc dù có sự phát triển trong thời gian qua, nhưng khối DN tư nhân vẫn thiếu những DN quy mô lớn đủ sức tạo ảnh hưởng và lan tỏa tích cực đến các DN khác. Theo VCCI, có tới 96% DN tư nhân có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, 2% DN quy mô vừa, 2% DN lớn và chỉ được sử dụng chưa đến 30% diện tích đất kinh doanh cả nước. DN thành lập nhiều nhưng đóng cửa cũng không ít. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2017 có 27.400 DN tạm ngừng hoạt động, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 11.491 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 21,6% và 15.909 DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 1,4%.

Vì sao các DN tư nhân lại gặp khó khăn đến vậy? Đó là do trở ngại trong việc tiếp cận các nguồn lực về tài nguyên, đất đai, tài chính... DN tư nhân bất đối xứng về nguồn lực, thông tin so với khối DNNN nên rất khó phát triển.

Trước thực tiễn nêu trên, Nghị quyết "Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" đã đánh giá rất sắc nét: sau hơn 30 năm đổi mới, nhận thức của chúng ta về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân đã có những bước tiến quan trọng. Từ chỗ kỳ thị, coi nhẹ đã thừa nhận kinh tế tư nhân "là một trong những động lực" và đến nay "là một động lực quan trọng" để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Để tạo điều kiện cho DN tư nhân phát triển, Trung ương yêu cầu, phát huy và nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN nhỏ và vừa, các DN đổi mới sáng tạo và phong trào khởi nghiệp. Tạo thuận lợi để các hộ và cá nhân tự nguyện liên kết hình thành DN hoặc các hình thức tổ chức hợp tác khác. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, có đủ khả năng tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Thông điệp xóa bỏ mọi định kiến, rào cản với kinh tế tư nhân đã được phát đi mạnh mẽ tại Hội nghị TW 5. Các chính sách chuyển từ mục đích "quản chặt"  sang "hỗ trợ” DN bằng định hướng chính sách.

Có thể nói, ba nghị quyết nêu trên được các chuyên gia kinh tế đánh giá là rất đúng thời điểm và có ý nghĩa quan trọng giúp chấn hưng nền kinh tế. Nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn khi động lực tăng trưởng cũ đã tới hạn. Trong khi đó, năng lực sản xuất, sức cạnh tranh của DN và nền kinh tế bị hạn chế khi đối mặt với không ít thách thức. Vì vậy, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; thu hẹp và nâng cao hiệu quả hoạt động của khối DNNN, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân trở thành 3 mũi giáp công quan trọng tạo nên sức sống mới cho nền kinh tế.

Chuyên đề