Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp ở Washington hồi tháng 3/2017 - Ảnh: Reuters/RT. |
Thủ tướng Đức Angela Merkel hứa sẽ đấu tranh vì thương mại tự do và thúc đẩy những nỗ lực đa phương nhằm chống lại sự biến đổi khí hậu tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào tuần tới, thách thức chính sách “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Hãng tin Reuters cho biết, trong một bài phát biểu mạnh mẽ trước Quốc hội Đức vào ngày 29/6, một tuần trước khi thượng đỉnh G20 khai mạc tại thành phố Hamburg của nước này, bà Merkel không đề cập trực tiếp đến tên ông Trum nhưng nói rằng các vấn đề toàn cầu không thể được giải quyết bằng chủ nghĩa bảo hộ và sự biệt lập.
Giới quan sát nhận định những phát biểu này của bà Merkel mở ra khả năng một cuộc xung đột công khai giữa hai nhà lãnh đạo Đức-Mỹ tại hội nghị G20, nơi quy tụ lãnh đạo của 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới. Sau bài phát biểu tại Quốc hội Đức, cùng ngày 29/6, bà Merkel đã có cuộc gặp với lãnh đạo các nước châu Âu trong khối G20 và cùng họ cam kết sẽ hợp thành một mặt trận thống nhất tại hội nghị sắp tới.
“Đây sẽ là những cuộc nói chuyện không hề dễ dàng”, bà Merkel nói. “Sự khác biệt là quá rõ ràng và sẽ là sai lầm nếu giả vờ rằng mọi chuyện không như vậy. Đơn giản là tôi sẽ không giả vờ”.
Thượng định G20 diễn ra chỉ hơn 1 tháng sau thượng đỉnh nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) ở Sicily, Italy - hội nghị đã để lộ ra sự chia rẽ sâu sắc giữa Mỹ với các nước còn lại trong khối xung quanh các vấn đề biến đổi khí hậu, thương mại và nhập cư. Sau hội nghị G7, ông Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận Paris 2015, một thỏa thuận mang tính cột mốc của thế giới về chống biến đổi khí hậu.
Trước thềm thượng đỉnh G20, chính quyền Trump đã cảnh báo sẽ có biện pháp trừng phạt thương mại đối với Trung Quốc và châu Âu, bao gồm áp thuế quan đối với thép nhập khẩu.
Những lời cảnh báo từ Washington và từ Berlin đã tạo ra một bầu không khí căng thẳng bất thường trước thượng đỉnh G20. Giới chức Đức thậm chí thừa nhận họ hầu như chưa có ý tưởng nào về việc thông cáo chung của của hội nghị sẽ ra sao.
Trên cương vị chủ nhà của hội nghị, Đức đối mặt với một thách thức lớn. Ngoài ông Trump, thì Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng tham dự hội nghị. Tất cả các nhà lãnh đạo này đều có mối quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” với bà Merkel và các nhà lãnh đạo châu Âu khác.
Thủ tướng Merkel tuyên bố bà đang “quyết tâm hơn bao giờ hết” đưa thỏa thuận Paris đi đến thành công và gọi biến đổi khí hậu là một “thách thức hiện hữu”.
“Chúng ta không thể đợi cho tới khi tất cả mọi người trên Trái Đất này tin vào bằng chứng khoa học [về biến đổi khí hậu]”, bà nói. “Bất kỳ ai tin rằng những vấn đề của thế giới có thể được giải quyết bằng chủ nghĩa cô lập và chủ nghĩa bảo hộ đều đang phạm sai lầm lớn”.
Ông Gary Cohn, cố vấn kinh tế cấp cao của ông Trump, cho biết, Tổng thống Mỹ dự định sẽ thảo luận với các nhà lãnh đạo G20 về lý do kinh tế khiến ông rút khỏi thỏa thuận Paris. “Ông ấy sẽ đề nghị có một sân chơi công bằng và bình đẳng. Chúng tôi không chấp nhận việc Mỹ cứ phải cắt giảm khí thải, trong khi nước khác tăng lượng khí thải”, ông Cohn nói.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 29/6 bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ “trở lại với lẽ phải” trong vấn đề khí hậu, nhưng nhấn mạnh rằng việc tìm cách cô lập ông Trump tại thượng đỉnh G20 sẽ không mang lại ích lợi gì.
“Mối quan hệ với Mỹ là một mối quan hệ dài hạn và sâu sắc”, ông Macron nói. “Tôi tin rằng chúng ta phải tiếp tục một cuộc đối thoại kỹ với Mỹ vì những mối quan hệ lịch sử và lâu dài này”.