Từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9, nhiều nhà băng đã điều chỉnh lãi suất huy động với mức tăng từ 0,2 đến 1 điểm phần trăm. Ảnh: Tấn Tiên |
Từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9, nhiều nhà băng đã điều chỉnh lãi suất huy động với mức tăng từ 0,2 đến 1 điểm phần trăm, trong đó, khối ngân hàng thương mại cổ phần, đặc biệt các ngân hàng nhỏ có xu hướng tăng lãi suất cao hơn đáng kể so với các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước.
Theo TS. Châu Đình Linh, giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, mức tăng lãi suất diễn ra không đồng đều giữa các ngân hàng cho thấy đâu đó trong thị trường có trục trặc về thanh khoản, cung cầu nguồn vốn bất cân đối.
Đáng chú ý, tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay ở mức khá cao khiến nhiều ngân hàng vừa thiếu hạn mức tăng trưởng tín dụng vừa thiếu hụt nguồn vốn để cho vay. Trong đó, một số ngân hàng đang cần vốn với nhiều mục đích: triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%; đáp ứng nhu cầu vốn cao dịp cuối năm; cân đối vốn đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống mức 34% từ 1/10/2022; chuẩn bị vốn cho vay khi hạn mức tín dụng được nới theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 7/9/2022.
Về lãi suất cho vay, theo ông Linh, mức lãi suất cao hay thấp phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nhóm đối tượng, kỳ hạn vay, loại hình vay... Với khách hàng doanh nghiệp thông thường hiện nay, mức lãi suất cho vay khoảng trên 10%. Lãi suất huy động tăng sẽ khiến lãi suất cho vay tăng, song mức tăng không đồng đều giữa các nhóm khách vay.
Ông Linh cho rằng, áp lực tăng lãi suất từ nay đến cuối năm khá rõ rệt bởi nhu cầu vốn của doanh nghiệp sẽ bật tăng trở lại trong khi khả năng đáp ứng vốn của hệ thống ngân hàng không thể ở mức cao cộng với xu hướng tăng lãi suất tiếp tục diễn ra trên thị trường thế giới. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp. Theo đó, chi phí tài chính tăng có thể khiến nhiều doanh nghiệp không thể trả nợ đúng hạn và làm phát sinh nợ xấu, đồng thời làm giảm nguồn lực tái đầu tư và ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh.
Do đó, theo ông Linh, cần có các giải pháp kịp thời điều phối thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, quyết liệt hơn trong thực hiện các giải pháp giám sát, đốc thúc để đẩy nhanh chương trình hỗ trợ lãi suất 2%.
Theo ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội (MASSEI), từ nay đến cuối năm, có hai yếu tố chính tác động đến diễn biến lãi suất.
Một là, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới có thể tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Khi đó, áp lực lên đồng Việt Nam sẽ khá lớn. Hai là, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp tăng cao vào cuối năm nên các ngân hàng có xu hướng tăng lãi suất, một số ngân hàng cần cơ cấu lại nguồn vốn theo kỳ hạn, hay nói cách khác, thiếu hụt nguồn vốn ở kỳ hạn nào sẽ đẩy mạnh huy động ở kỳ hạn đó để bù đắp.
Ông Minh cho rằng, NHNN đang đứng trước áp lực khá lớn về việc phải tăng lãi suất điều hành, cung cầu nguồn vốn cuối năm có thể sẽ “căng” song nhiều khả năng sẽ quay trở lại trạng thái ổn định vào đầu năm sau. “Từ nay đến cuối năm, nhiều doanh nghiệp cần vốn lớn để tiếp tục các dự án dang dở hoặc hoàn thiện các đơn hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, nhiều dự báo cho thấy, kinh tế thế giới đang có xu hướng suy giảm nên nhu cầu hàng hóa có thể sẽ giảm trong năm sau, các kênh huy động vốn khác có thể khởi sắc trở lại là những yếu tố khiến doanh nghiệp sẽ thận trọng hơn trong các kế hoạch huy động vốn tín dụng”, ông Minh nói.
Từ góc độ cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho rằng, bài toán đặt ra lúc này là vừa kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế. Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành lãi suất linh hoạt để đạt được mục tiêu này. Về lãi suất của các ngân hàng thương mại, ông Tú cho biết, dù có biến động tăng nhưng ở mức độ rất nhẹ. Lãi suất cho vay bình quân hiện chỉ từ 7,9 - 9,3%, kể cả dư nợ cũ và dư nợ mới; lãi suất huy động bình quân từ 6,3 - 6,8% đối với kỳ hạn trên 1 năm.
Trong thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN sẽ tiếp tục kêu gọi, vận động các ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí hoạt động và một phần lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn.