95 năm báo chí với “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn các nhà báo: “Người làm báo cách mạng phải có tâm sáng, lòng trong, bút sắc!”. 
Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị đối với những người làm báo trong bối cảnh hiện nay
Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị đối với những người làm báo trong bối cảnh hiện nay

Thực hiện lời dạy của Bác, 95 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã luôn đồng hành, đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, để hoàn thành sứ mệnh của một “chiến sĩ cách mạng” trên mặt trận thông tin, truyền thông, đòi hỏi mỗi nhà báo thường xuyên phải nâng cao nghiệp vụ, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp.

Báo chí luôn đồng hành cùng dân tộc

Ra đời trong bối cảnh đặc biệt, khi nước ta đang ở trong môi trường thuộc địa, chặng đường 95 năm qua, làm theo lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí cách mạng Việt Nam luôn gắn với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Nhìn lại lịch sử, các thế hệ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta, từ Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến nay đều đánh giá rất cao vai trò của báo chí cách mạng.

Suốt hơn nửa thế kỷ tham gia đấu tranh cách mạng, Hồ Chí Minh luôn coi trọng báo chí, sử dụng báo chí làm một vũ khí tiến công kẻ thù. Là người sáng lập nhiều tờ báo như Người cùng khổ, Thanh Niên, Việt Nam độc lập..., Bác cũng là một nhà báo kiệt xuất. Trong suốt cuộc đời, theo các nhà nghiên cứu, Người đã viết khoảng 2.000 bài báo, trung bình mỗi năm khoảng 40 bài, đăng trên các tờ báo trong và ngoài nước với các thứ tiếng: Việt, Hán, Anh, Pháp, Nga… Tại Đại hội lần thứ hai của Hội Nhà báo Việt Nam, Người nói: “Về nội dung viết, mà các cô các chú gọi là “đề tài”, thì tất cả những bài Bác viết chỉ có một “đề tài” là: chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Duyên nợ của Bác đối với báo chí là như vậy đó”.

Khẳng định những đóng góp quan trọng của báo chí, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói trong Lễ trao Giải báo chí về xây dựng Đảng lần thứ tư diễn ra vào đầu năm 2020: “Nhìn lại quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là sau hơn 30 năm đổi mới, chúng ta có thể khẳng định: Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước có một phần đóng góp quan trọng của Báo chí cách mạng Việt Nam; và niềm vinh dự cao cả đó thuộc về đội ngũ những người làm báo cách mạng nước nhà”.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Trải qua hơn 9 thập niên, kể từ số báo Thanh Niên đầu tiên (21/6/1925), báo chí cách mạng nước ta đã thể hiện là công cụ sắc bén của Đảng và Nhà nước trong công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết nhất trí, chung sức đồng lòng, vượt qua bao khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng giành những thắng lợi to lớn, góp phần tô thắm những trang sử vẻ vang của dân tộc ta”. 

Tuân thủ đạo đức nghề nghiệp là bổn phận của người làm báo

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”.

Lại nhớ, ngay từ đầu Cách mạng Tháng Tám, Bác căn dặn các nhà báo: “Ngòi bút các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà”. Trong bối cảnh hiện nay, khi “phò chính, trừ tà”, để không bước qua lằn ranh mong manh giữa đạo đức và sự cám dỗ của vật chất, cùng với áp lực từ nhiều phía, khi phản ánh tiêu cực thì những người làm báo cần một cái đầu lạnh bên cạnh một trái tim nóng. Dù là phản ánh tiêu cực thì thông tin báo chí cũng phải có hướng tiếp cận để tạo ra hiệu ứng xã hội tích cực. Phê bình là để cùng tiến bộ chứ không phải để vùi dập, triệt tiêu. Cùng một sự kiện, vấn đề nhưng tài năng, bản lĩnh cũng như cái "tâm" và "tầm" của người làm báo khác nhau sẽ tạo ra những tác phẩm khác nhau qua cách lựa chọn thông tin, thái độ, góc nhìn.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh phát triển bùng nổ của mạng xã hội như hiện nay, tin giả, thông tin sai sự thật rất nhiều. Báo chí với vai trò định hướng dư luận xã hội nếu không tỉnh táo, không làm tròn trách nhiệm sẽ dễ chạy theo tin giả, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của tờ báo, suy giảm niềm tin trong nhân dân. Nhiều tờ báo, hãng tin lớn trong và ngoài nước đã phải đưa ra quy định về cách thức nhà báo sử dụng mạng xã hội. Quả thật, trong hoàn cảnh này, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị: “Không biết rõ, không hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết cũng chớ nói, chớ viết càn".

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung”. Nâng cao nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp để hoàn thành tốt nhiệm vụ là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi nhà báo. “Mắt sáng, bút sắc, lòng trong” - một tựa đề cuốn sách của nhà báo Hữu Thọ, cũng có thể coi là một phương châm để các nhà báo tự răn mình khi hành nghề.

Không có trình độ chuyên môn nghiệp vụ thì thật khó để làm tròn trách nhiệm công việc được giao, nhưng không có đạo đức nghề nghiệp thì không thể làm tròn bổn phận của người làm báo. Nói rộng ra thì người mà không có đạo đức, không thể tròn bổn phận làm người.

95 năm báo chí với “tâm sáng, lòng trong, bút sắc” ảnh 1
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước
Nguyễn Phú Trọng
“Bảy mươi năm qua, kể từ ngày thành lập tại chiến khu Việt Bắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, các thế hệ Hội Nhà báo Việt Nam và những người làm báo cả nước đã luôn đoàn kết, chủ động sáng tạo, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, không ngừng lớn mạnh, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Trong mọi hoàn cảnh, đông đảo hội viên, nhà báo luôn đồng hành cùng dân tộc, bám sát thực tiễn, tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; động viên, cổ vũ toàn dân trong các cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do trước đây, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay; đồng thời tích cực tham gia công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vạch trần các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Trích Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng 
chúc mừng nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập 
Hội Nhà báo Việt Nam

Chuyên đề