Bản tin thời sự sáng 11/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP. Huế đầu tư xây dựng thêm đường đi bộ lót gỗ bên sông Hương; bốn ngân hàng quốc doanh lãi tỷ USD; Đồng Nai khởi công Dự án Aeon Mall hơn 6.000 tỷ đồng; Chính phủ chấp nhận đầu tư mạo hiểm cho khoa học công nghệ…

TP. Huế đầu tư xây dựng thêm đường đi bộ lót gỗ bên sông Hương

Sân khấu ngoài trời kết hợp đường dạo dọc sông Hương (TP. Huế) bằng gỗ lim đang được xây dựng ở bờ Nam sông với tổng kinh phí hơn 28 tỷ đồng.

Phối cảnh tuyến đường dạo bằng gỗ lim trên sông Hương

Phối cảnh tuyến đường dạo bằng gỗ lim trên sông Hương

Vị trí xây dựng sân khấu ngoài trời là trước bia Quốc học trên đường Lê Lợi, chủ đầu tư là Trung tâm Công viên cây xanh quận Thuận Hóa.

Theo thiết kế, sân khấu có hình bán nguyệt, kết cấu sàn bê tông cốt thép dày 20 cm, trên lát gỗ lim dày 50 mm với diện tích 430 m2. Khu vực khán đài sẽ được đắp đất màu, trồng cỏ, hoa theo mùa với diện tích 3.000 m2; có bậc ngồi ghế đá nguyên khối dài 334 m kết hợp với điện chiếu sáng.

Tuyến đường dạo dọc bờ sông Hương dài 432 m, rộng 3 m, kết cấu chính kè tường chắn bê tông cốt thép, mặt sàn bằng bê tông cốt thép dày 20 cm, trên lát gỗ lim dày 50 mm với diện tích 1.298 m2. Dự án sẽ hoàn thành vào tháng 4/2025.

Theo Trung tâm Công viên cây xanh quận Thuận Hóa, Dự án nhằm chỉnh trang, tạo cảnh quan để khai thác tối đa hai bờ sông Hương phục vụ du lịch văn hóa. Công trình sẽ là điểm vui chơi, nơi tổ chức sự kiện lớn của quận và Thành phố.

Sân khấu ngoài trời kết hợp đường dạo dọc sông Hương bằng gỗ lim sẽ được đấu nối với cầu đi bộ gỗ lim dài hơn 380 m, rộng 4 m, được xây dựng ở bờ Nam sông Hương từ tháng 2/2018 với tổng kinh phí 64 tỷ đồng.

Bốn ngân hàng quốc doanh lãi tỷ USD

Năm 2024, cả 4 ngân hàng quốc doanh gồm Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank đều đạt kế hoạch đề ra với mức lãi kỷ lục, từ tỷ USD trở lên.

Giao dịch tại một ngân hàng

Giao dịch tại một ngân hàng

Đứng đầu lợi nhuận hệ thống ngân hàng các năm là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Tại hội nghị tổng kết Ngân hàng mới đây, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, năm ngoái, nhà băng tiếp tục ghi nhận lợi nhuận kỷ lục, cao nhất ngành ngân hàng (không nêu số liệu cụ thể, năm 2023, lợi nhuận ngân hàng này đạt khoảng 40.000 tỷ đồng). Vietcombank nộp ngân sách nhà nước 2024 gần 11.600 tỷ đồng.

Ngân hàng này hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch do Ngân hàng Nhà nước và Đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, tín dụng tăng trưởng gần 14%, đạt quy mô trên 1,44 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức thấp 0,97%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu duy trì ở mức cao nhất ngành ngân hàng 223%.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ghi nhận lãi trước thuế riêng lẻ kỷ lục hơn 30.000 tỷ đồng, tương đương 1,1 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ 2023. Nhà băng này nộp ngân sách hơn 9.400 tỷ đồng, thuộc nhóm doanh nghiệp dẫn đầu về nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tính đến hết năm 2024, dư nợ tín dụng của BIDV tăng hơn 15%, đạt trên 2,01 triệu tỷ đồng, chiếm 13% thị phần tín dụng, đứng đầu toàn thị trường. Tổng nguồn vốn huy động tăng hơn 13%, đạt 2,14 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,3%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 133%.

Với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), lợi nhuận trước thuế 2024 tăng trên 8%, dự kiến nộp ngân sách nhà nước hơn 15.000 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2023, Agribank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất 25.800 tỷ đồng. Ước tính, lợi nhuận của nhà băng 100% vốn nhà nước này năm 2024 đạt hơn 27.800 tỷ đồng.

Kết thúc năm ngoái, dư nợ cho vay của Agribank tăng 11%, đạt 1,72 triệu tỷ đồng. Nguồn vốn khoảng 2 triệu tỷ đồng, tăng 7,6%. Tổng tài sản của Agribank trên 2,2 triệu tỷ đồng, tăng gần 10%.

Tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), lợi nhuận cũng vượt kế hoạch đề ra, nộp ngân sách 8.600 tỷ đồng, tăng 33% so với năm trước và trong top 10 doanh nghiệp nộp ngân sách cao nhất. Trước đó, nhà băng này thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế ngân hàng mẹ năm 2024 là 26.300 tỷ đồng, tăng gần 9% so với năm 2023. Với việc vượt kế hoạch, nhà băng này dự kiến đạt kỷ lục lợi nhuận trên tỷ USD năm 2024.

Tính đến hết 2024, dư nợ tín dụng của VietinBank tăng trưởng gần 17% so với đầu năm. Tổng nguồn vốn huy động đạt 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 15% so với cuối năm 2023. Quy mô tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng trưởng đột phá 30% so với bình quân năm 2023. Tỷ trọng CASA đạt 24,1% vào cuối năm 2024, hỗ trợ cải thiện chi phí vốn.

Đồng Nai khởi công Dự án Aeon Mall hơn 6.000 tỷ đồng

Trung tâm thương mại Aeon Mall Biên Hòa được khởi công sáng 10/1 giữa trung tâm cù lao Hiệp Hòa với vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng.

Phối cảnh Trung tâm thương mại Aeon Mall Biên Hòa
Phối cảnh Trung tâm thương mại Aeon Mall Biên Hòa

Sáng 10/1, UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp với Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam tổ chức khởi công Dự án Trung tâm thương mại Aeon Mall và văn phòng cho thuê giữa cù lao sông Đồng Nai. Đây là trung tâm thương mại thứ 8 tại Việt Nam của Aeon Mall.

Dự án có quy mô gần 12 ha, giáp đường Đặng Văn Trơn, TP. Biên Hòa, trong đó hơn 10 ha diện tích dành xây trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và các công trình phụ trợ, còn lại để xây đường nội bộ với tổng vốn đầu tư khoảng 6.100 tỷ đồng.

Trung tâm thương mại được xây dựng trên diện tích 32.000 m2, công suất 10 triệu hành khách mỗi năm. Khi đưa vào hoạt động, đây sẽ là một trong những trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp lớn nhất miền Nam với dịch vụ mua sắm, ăn uống, giải khát, khu vui chơi trẻ em... với kiến trúc thân thiện môi trường.

Hai năm trước, trong buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch điều hành Tập đoàn Aeon cho biết, sẽ phát triển khoảng 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam, tập trung kinh doanh siêu thị và vui chơi giải trí. Cuối năm 2024, Aeon Mall đưa trung tâm thương mại lớn nhất miền Trung tại Huế đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng.

Chính phủ chấp nhận đầu tư mạo hiểm cho khoa học công nghệ

Chính phủ sẽ sửa đổi quy định, tháo gỡ điểm nghẽn theo hướng chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và có độ trễ trong nghiên cứu khoa học công nghệ.

Một khách tham quan đang nhìn vào các thành phần của chiếc iPhone sử dụng keo dán 3M được trưng bày tại Trung tâm Khoa học Công nghệ và Kỹ thuật tại Hà Nội

Một khách tham quan đang nhìn vào các thành phần của chiếc iPhone sử dụng keo dán 3M được trưng bày tại Trung tâm Khoa học Công nghệ và Kỹ thuật tại Hà Nội

Chính phủ vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Theo Chương trình, Chính phủ sẽ nỗ lực hoàn thiện thể chế, loại bỏ mọi tư tưởng, quan niệm và rào cản cản trở sự phát triển, với mục tiêu biến thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong việc phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Các điểm nghẽn sẽ được xử lý đồng thời với việc xây dựng cơ chế đặc thù cho đầu tư, đầu tư công và mua sắm công đối với các sản phẩm xuất phát từ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và dịch vụ số, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Hồ sơ và thủ tục quản lý, sử dụng, cũng như thanh quyết toán liên quan đến hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển đổi số sẽ được đơn giản hóa tối đa. Việt Nam sẽ thiết lập chính sách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, gắn liền với cơ chế chia sẻ lợi ích từ các kết quả nghiên cứu và ứng dụng.

Chính phủ sẽ sửa đổi pháp luật để tháo gỡ rào cản trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo hướng chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và thời gian trễ trong nghiên cứu. Luật Khoa học và Công nghệ 2013 cùng các luật liên quan sẽ được điều chỉnh để tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi, thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước cũng như việc thu hút các nguồn lực từ bên ngoài sẽ được tập trung vào lĩnh vực này.

Quy định về việc thành lập và sử dụng các quỹ đầu tư mạo hiểm dành cho khởi nghiệp sáng tạo, ươm tạo công nghệ và chuyển đổi số sẽ được xây dựng. Luật Công nghiệp, công nghệ số sẽ được bổ sung thêm các chính sách mới như thí điểm có sự tham gia của Nhà nước; cơ chế miễn trừ trách nhiệm trong thử nghiệm công nghệ số mới, mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ số; cơ chế ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế trong nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng, phát triển công nghệ số chiến lược, công nghiệp công nghệ số, công nghiệp dữ liệu lớn, công nghiệp an toàn, an ninh mạng, công nghiệp Internet vạn vật (IoT)…

TP.HCM lắp loạt đèn tín hiệu cho xe máy rẽ phải khi đèn đỏ

50 nút giao ở khu vực nội đô được ngành giao thông TP.HCM lắp đèn tín hiệu mũi tên màu xanh cho xe máy rẽ phải khi đèn đỏ để hạn chế ùn tắc.

Công nhân lắp đèn tín hiệu mũi tên màu xanh cho xe máy rẽ phải ở giao lộ Võ Thị Sáu - Bà Huyện Thanh Quan, Quận 3, TP.HCM

Công nhân lắp đèn tín hiệu mũi tên màu xanh cho xe máy rẽ phải ở giao lộ Võ Thị Sáu - Bà Huyện Thanh Quan, Quận 3, TP.HCM

Ngày 10/1, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông vận tải TP.HCM) triển khai lắp đặt hàng chục đèn tín hiệu giao thông, hiển thị mũi tên màu xanh kèm theo biểu tượng xe máy ở các giao lộ đường Điện Biên Phủ với các tuyến: Pasteur, Phạm Ngọc Thạch, Hai Bà Trưng; Võ Thị Sáu - Bà Huyện Thanh Quan (Quận 1, 3)... Đây là những tuyến đường ở trung tâm Thành phố, các nút giao thường có mật độ xe rất đông.

Bảng điện tử này được lắp đặt cùng với trụ đèn tín hiệu xanh, đỏ, vàng, giúp người dân dễ nhận biết để rẽ phải khi có đèn đỏ. Việc lắp thêm các bảng tín hiệu trên nhằm hạn chế ùn tắc, vì gần đây nhiều người không dám rẽ phải khi đèn đỏ, dừng chờ kéo dài do mức phạt của quy định mới cao hơn nhiều so với trước. Trước đó, người dân Thành phố thường có thói quen rẽ phải khi đèn đỏ dù quy định không cho phép.

Đại diện Sở Giao thông vận tải Thành phố cho biết, hiện có 50 nút giao lưu lượng xe lớn, đủ điều kiện được bổ sung bảng tín hiệu trước. Các đơn vị sẽ tiếp tục rà soát, lắp đặt thêm hệ thống tín hiệu này tại những vị trí thích hợp. Đây là giải pháp không phải mới thực hiện, trước đây ngành giao thông Thành phố đã lắp biển cho xe máy rẽ phải hoặc đi thẳng khi đèn đỏ ở một số giao lộ, theo đặc thù lưu lượng xe, các hướng rẽ qua nút giao.

Những ngày qua, tình trạng ùn tắc giao thông ở nhiều tuyến đường tại TP.HCM gia tăng. Ngoài lý do nhu cầu đi lại, mua sắm cuối năm tăng cao và có nhiều sự kiện tổ chức phải điều chỉnh giao thông, Nghị định 168/NĐ-CP mới có hiệu lực với mức phạt tăng cao khiến nhiều người bỏ "thói quen" rẽ phải khi đèn đỏ, dừng chờ kéo dài làm tình hình thêm căng thẳng.

Hà Nội khuyến khích người dân chuyển từ xe xăng sang xe điện

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, Hà Nội đang triển khai nhiều biện pháp khắc phục ô nhiễm không khí, trong đó khuyến khích người dân chuyển từ xe chạy xăng dầu sang xe điện.

Sáng 10/1, tại quận Long Biên, phát biểu trong lễ phát động chiến dịch "Vì Thủ đô trong xanh", Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền nói, Hà Nội đang đối mặt với ô nhiễm không khí nghiêm trọng, mức độ bụi mịn nhiều ngày qua đã vượt ngưỡng an toàn, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân. Nguyên nhân chính là khí thải từ phương tiện giao thông, đặc biệt là xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu mỏ, khí tự nhiên).

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Thành phố đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm xử lý ô nhiễm không khí, trong đó có chuyển đổi xanh với phương tiện giao thông công cộng. Mục tiêu đến trước năm 2035, 100% xe buýt trên địa bàn sử dụng năng lượng sạch. Mỗi người có thể bắt đầu từ việc cụ thể như chuyển sang sử dụng xe điện hoặc phương tiện giao thông công cộng điện hóa, không dùng bếp than, đốt rác ngoài trời, tăng cường trồng cây xanh, bảo vệ không gian xanh tại nơi mình sinh sống.

Tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội gia tăng trong khoảng 10 năm gần đây. Theo kết quả quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ô nhiễm không khí ở Hà Nội bắt đầu từ khoảng tháng 10, kéo dài đến tháng 4 năm sau, tập trung tại một số điểm có mật độ giao thông lớn và nhiều cơ sở sản xuất. Trong ngày có hai khung giờ ô nhiễm nghiêm trọng là 6 - 8h và 17 - 19h.

Với quy mô dân số hơn 8 triệu, mật độ 2.398 người/km2, cao gấp 8,2 lần so với trung bình cả nước, số phương tiện giao thông đặc biệt lớn (1,1 triệu ô tô, 6,9 triệu xe máy), tháng 7/2021, Thành phố đã ban hành kế hoạch đo kiểm khí thải mô tô, xe gắn máy cũ làm cơ sở đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng không khí.

Số người rút bảo hiểm xã hội một lần ở TP.HCM giảm mạnh

Số người rút bảo hiểm xã hội một lần năm 2024 ở TP.HCM là hơn 99.900 người, thấp nhất trong 5 năm và giảm 11,4% so với cùng kỳ 2023.

Người dân rút bảo hiểm xã hội tại Bảo hiểm Xã hội TP. Thủ Đức

Người dân rút bảo hiểm xã hội tại Bảo hiểm Xã hội TP. Thủ Đức

Thông tin trên được ông Lò Quân Hiệp, Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM, cho biết sáng 10/1. Năm 2024, có 99.922 người nhận trợ cấp một lần, trong khi con số này năm 2023 là 112.760, tức giảm 11,4%. Đây cũng là lần đầu tiên trong 5 năm liên tiếp, số người rút BHXH 1 lần ở Thành phố dưới 100.000 người.

Bên cạnh đó, năm vừa qua, trên địa bàn Thành phố có hơn 2,7 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, tăng 1,62% so với cùng kỳ.

Theo lãnh đạo BHXH TP.HCM, số người nhận trợ cấp một lần giảm mạnh "là tín hiệu đáng mừng" và điều này trái ngược với dự báo hồi đầu năm 2024. Lý do là năm 2023, số người nhận trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn tăng kỷ lục với gần 160.000 người. Khi đó, nhiều ý kiến nhận định, số lao động này sẽ rút bảo hiểm sau một năm khiến số lượng này tiếp tục tăng.

Đánh giá nguyên nhân, ông Hiệp cho rằng, trước đó trong hơn một năm (từ năm 2022 - 2023) lấy ý kiến sửa Luật BHXH, các phương án về trợ cấp một lần chưa được chốt khiến người lao động hoang mang. Nhiều người đã chủ động nghỉ việc, rút "chạy luật" khiến hồ sơ tăng nhanh. Tuy nhiên, giữa năm ngoái, khi Luật được thông qua, phương án được chốt thì người lao động đã an tâm. Nhiều người có ý định nghỉ việc để rút bảo hiểm có thể đã tìm việc mới.

Tương tự, năm 2024, TP.HCM cũng ghi nhận số người nhận trợ cấp thất nghiệp giảm. Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố đã tiếp nhận hơn 143.300 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động, giảm gần 22.800 hồ sơ, tương đương giảm 13,72% so với năm 2023 (hơn 166.100 hồ sơ).

BHXH TP.HCM hiện quản lý gần 2,8 triệu người tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện, gần 8,5 triệu người có bảo hiểm y tế, gần 255.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng. Đây là địa phương quản lý số người tham gia trong hệ thống BHXH lớn nhất nước. Trong năm 2024, có 22,74 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đơn vị này cũng giải quyết chế độ trợ cấp một lần và bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 1,3 triệu người.

Chuyên đề