Doanh nghiệp dành nhiều sự ủng hộ đối với giải pháp “Không điều chỉnh tăng giá trong quý I và quý II năm 2020 đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất do Nhà nước kiểm soát giá” và giải pháp “Miễn, giãn, giảm lãi suất vay, phí ngân hàng” |
Tổng cục Thống kê vừa công bố kết quả của cuộc khảo sát nhanh nhằm thu thập thông tin về tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động SXKD cũng như đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp về mức độ phù hợp của các giải pháp được đưa ra trong Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với doanh nghiệp.
Đối tượng khảo sát là các doanh nghiệp trên phạm vi cả nước, hoạt động trong tất cả các ngành kinh tế. Tính đến thời điểm kết thúc khảo sát, có 126.565 doanh nghiệp tham gia trả lời, trong đó có 51/66 tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn, hạch toán toàn ngành.
Kết quả khảo sát cho thấy, có tới 85,7% doanh nghiệp được hỏi cho rằng đang phải chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Theo quy mô, các doanh nghiệp có quy mô càng lớn, tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động từ dịch Covid-19 càng cao. Điều này có thể lý giải, các doanh nghiệp có quy mô lớn thường là những doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đa ngành nghề, có chuỗi giá trị liên kết trong nước và quốc tế chặt chẽ, rộng hơn nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ sẽ chịu tác động lan tỏa nhiều hơn khi dịch bệnh bùng phát trên phạm vi toàn cầu.
Tính theo loại hình doanh nghiệp, doanh nghiệp FDI là đối tượng đang chịu nhiều tác động của dịch Covid-19 nhất, với 88,7%; tỷ lệ này đối với nhóm doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp ngoài Nhà nước lần lượt là 87,3% và 85,5%.
Theo khu vực kinh tế, tại thời điểm hiện nay, khu vực công nghiệp và xây dựng và khu vực dịch vụ đang chịu nhiều tác động nhất từ dịch Covid-19 với tỷ lệ doanh nghiệp bị tác động lần lượt là 86,1% và 85,9%; trong khi khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng ít hơn với 78,7% (tuy nhiên quy mô của các doanh nghiệp khu vực này chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp trong toàn bộ doanh nghiệp).
Đáng chú ý, một số ngành kinh tế có tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 cao, điển hình như: ngành hàng không 100%; ngành dịch vụ lưu trú 97,1%; dịch vụ ăn uống 95,5%; hoạt động của các đại lý du lịch 95,7%; giáo dục và đào tạo 93,9%. Tiếp đến là các ngành dệt, may, sản xuất da, các sản phẩm từ da; sản xuất các sản phẩm điện tử; sản xuất ô tô đều có tỷ lệ trên 90%.
Dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng sâu, rộng tới mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, kéo theo hàng loạt những vấn đề mà doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt.
Có tới 57,7% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cho rằng, thị trường tiêu thụ bị giảm mạnh. Đáng chú ý, trong các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, có tới 47,2% doanh nghiệp khẳng định hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được.
Mặt khác, dịch Covid-19 càng kéo dài, nguyên vật liệu đầu vào dự trữ của doanh nghiệp càng cạn kiệt. Tính đến thời điểm khảo sát, có 22,1% doanh nghiệp bị thiếu hụt nguyên liệu đầu vào. Đây là vấn đề dễ thấy khi thị trường nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam đều là các nước đang phải hứng chịu hậu quả nặng nề từ dịch như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,…
Có tới 45,4% số doanh nghiệp khảo sát đang bị thiếu hụt nguồn vốn cho SXKD, đây là một trong những khó khăn hàng đầu của doanh nghiệp hiện nay và cũng là tình trạng chung của toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Chi trả công lao động được đánh giá là gánh nặng lớn nhất đối với doanh nghiệp thời điểm hiện nay.
Cũng theo kết quả khảo sát, các doanh nghiệp dành nhiều sự ủng hộ đối với giải pháp “Không điều chỉnh tăng giá trong quý I và quý II năm 2020 đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất do Nhà nước kiểm soát giá” và giải pháp “Miễn, giãn, giảm lãi suất vay, phí ngân hàng” được đưa ra trong Chỉ thị số 11/CT-TTg. Ngoài ra, hầu hết các nhóm giải pháp trong Chỉ thị số 11/CT-TTg đều được doanh nghiệp đánh giá tương đối phù hợp.
Trong thời gian tới, doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy nhanh tiến độ, thủ tục giải ngân hỗ trợ khu vực doanh nghiệp.