7 tháng đầu năm 2016: Huy động vốn tăng nhanh hơn cho vay

(BĐT) - Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 29/7/2016, tổng phương tiện thanh toán tăng 9,94%, trong đó huy động bằng VND tăng 12,28%, ngoại tệ giảm 6,25% so với cuối năm 2015. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Trong khi đó, tín dụng của nền kinh tế chỉ tăng 8,54% với cơ cấu hỗ trợ tích cực cho sản xuất và tăng trưởng kinh tế. Thanh khoản của hệ thống vì vậy tiếp tục được bảo đảm và có dư thừa khi mặt bằng lãi suất liên ngân hàng giảm so với cuối năm vừa qua.

Về xử lý nợ xấu, tính đến cuối quý II/2016, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống được công bố là 2,58%, giảm 0,2 điểm % so với mức 2,78% vào tháng 5/2016. Tổng các khoản nợ xấu được xử lý trong nửa đầu năm 2016 đạt 59,71 nghìn tỷ đồng, giảm 14,55% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, con số bán nợ cho VAMC là 8,88 nghìn tỷ đồng, khách hàng trả nợ 30,98 nghìn tỷ đồng, sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu 7,24 nghìn tỷ đồng.

Số liệu mà NHNN công bố nhìn chung tương đối nhất quán với Báo cáo tình hình kinh tế tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2016 mà Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) đưa ra cách đây vài hôm. UBGSTCQG cho biết, tính đến cuối tháng 5/2016, NHNN đã bơm vào hệ thống khoảng 180 nghìn tỷ đồng thông qua việc mua ngoại tệ, trong khi tính đến 22/7/2016 tổ chức này hút ròng khoảng 116 nghìn tỷ đồng.

Đại diện NHNN cũng cho biết, các ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay ngắn hạn 0,5%/năm và đưa lãi suất cho vay trung và dài hạn ở mức tối đa 10%/năm.

Cũng xung quanh vấn đề này, UBGSTCQG cho rằng, việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay có thể thực hiện được nhờ thanh khoản hệ thống đang khá dồi dào, đồng thời lãi suất trái phiếu chính phủ tiếp tục giảm ở các kỳ hạn, lạm phát dự báo cả năm vẫn ở mức thấp cho dù nửa đầu năm tăng. Một yếu tố quan trọng nữa là lợi nhuận 6 tháng đầu năm của các ngân hàng thương mại tương đối khả quan, tạo dư địa cho việc xử lý nợ xấu và tiết giảm chi phí hoạt động của hệ thống.

Với những diễn biến tương đối khả quan nêu trên, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%, các bộ, ngành sẽ đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn từ Chính phủ.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 7 tháng đầu năm 2016, dòng vốn FDI thực hiện đạt 8,55 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ 2015. FDI được đánh giá là một nguồn lực lớn, hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2016.

Chuyên đề