6 vũ khí khắc tinh của tàu ngầm trong lịch sử quân sự

Tàu ngầm là vũ khí lợi hại trong chiến tranh, nhưng nó vẫn phải đối mặt với nguy hiểm từ hàng loạt vũ khí có khả năng khắc chế hiệu quả.

Nguyên lý bám đuổi của ngư lôi F21

Tàu ngầm sở hữu khả năng cơ động êm ái và tung đòn tấn công bất ngờ từ lòng biển. Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Logan Nye cho rằng quân đội các nước trên thế giới đang sở hữu 6 loại vũ khí có thể trở thành khắc tinh của tàu ngầm trong chiến đấu, theo WATM.

Ngư lôi hạng nặng F21

F21 là ngư lôi mới được biên chế trong hải quân Pháp, có tốc độ hành trình khoảng 46-92 km/h. Nhờ trang bị ắc quy điện yên tĩnh để lướt đi trong lòng biển, tàu ngầm của Pháp trang bị F21 có thể tấn công mục tiêu mà không để lộ vị trí.

Ngư lôi này được phóng ra khỏi tàu ngầm bằng piston, sau đó nước biển được dẫn vào ngư lôi để kích hoạt ắc quy, cung cấp năng lượng cho quả ngư lôi 1,2 tấn di chuyển với vận tốc 50 km/h.

Ngư lôi F21 mang theo đầu đạn PBX B2211, gắn ngòi nổ đặc biệt và hệ thống dẫn đường sợi quang, có thể chống lại mọi biện pháp đối phó của tàu ngầm địch.

Ngư lôi hạng nhẹ Mk. 54

Mk. 54 là một trong những ngư lôi hạng nhẹ tốt nhất trong biên chế hải quân Mỹ và đồng minh. Ngư lôi này chứa đầu đạn dẫn đường nặng khoảng 45 kg, vượt qua được nhiều biện pháp đối phó của đối phương, trước khi lao vào mục tiêu với vận tốc 74 km/h.

Mk. 54 có thể phóng từ tàu mặt nước, trực thăng và máy bay. Độ sâu hoạt động của ngư lôi này đủ để tiêu diệt các tàu ngầm đang hoạt động trên thế giới.

Ngư lôi siêu khoang Shkval

Ngư lôi siêu khoang VA-111 Shkval của Nga có vận tốc hơn 370 km/h, nhanh hơn bất kỳ ngư lôi nào của NATO. Nhờ áp dụng công nghệ tạo siêu khoang độc nhất vô nhị trên thế giới, Shkval có vận tốc ngang tên lửa khi hành trình trong lòng biển.

Nguyên lý hoạt động của Shkval

Đầu đạn hẹn giờ của ngư lôi này nặng khoảng 230 kg, dùng để phá hủy tàu ngầm đối phương ở xung quanh và những quả ngư lôi đang áp sát.

Rocket chống ngầm RUM-139/RUR-5

Rocket chống ngầm RUM-139 được phóng đi từ tàu mặt nước, sau đó thả một ngư lôi xuống biển ở khu vực nghi ngờ có mục tiêu, giúp nó lao vào tàu ngầm ở khoảng cách gần. Cơ chế này khiến đối phương có rất ít thời gian đối phó, cũng như cho phép tàu chiến khai hỏa ở cự ly xa hơn thông thường

Rocket này có thể mang theo ngư lôi hạng nhẹ Mk. 54 và ngư lôi hạt nhân Mk. 45.

Cối chống ngầm

Cối và lựu đạn chống ngầm là những vũ khí hiệu quả trong tác chiến săn ngầm. Rất nhiều quả đạn có thể được bắn cùng lúc xuống đại dương, tiêu diệt tàu ngầm nhờ cơ chế chạm nổ khi tiếp xúc với vỏ tàu. Cối chống ngầm phát huy tối đa hiệu quả ở tầm gần, trong các khu vịnh nhỏ hoặc eo biển. Tuy nhiên, tầm bắn hạn chế của nó tạo điều kiện cho tàu ngầm đối phương phóng tên lửa và ngư lôi từ xa để đối phó.

Ngư lôi hạt nhân Mk.45 và T5

Trong Chiến tranh Lạnh, cả Mỹ và Liên Xô đều phát triển ngư lôi hạt nhân. Dù hiện không còn được biên chế, chúng vẫn là một trong những vũ khí diệt ngầm hiệu quả nhất, kể cả tàu địch lẫn tàu ta khi phóng.

Ngư lôi T-5 Liên Xô mang đầu đạn hạt nhân có sức công phá tương đương 3.500 tấn thuốc nổ TNT, trong khi ngư lôi Mk. 45 Mỹ có đầu đạn hạt nhân mạnh gấp ba lần. Cả hai ngư lôi này đều được dẫn đường và kích nổ thông qua dây kết nối giữa ngư lôi và tàu ngầm mẹ. 

Chuyên đề