5S, hành động nhỏ, thay đổi lớn

(BĐT) - Tại Hội thảo “Điển hình cải tiến theo phương pháp Nhật Bản: Con đường tham gia chuỗi cung ứng” do Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Nam thuộc Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng 15/12/2016, nhiều ý kiến đánh giá 5S - Kaizen là một công cụ rất hiệu quả.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

5S là viết tắt của năm chữ gồm: S1 là sàng lọc, S2 là sắp xếp, S3 là sạch sẽ, S4 là săn sóc, S5 là sẵn sàng. Theo ông Nguyễn Văn Tuất, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Nam, điểm ưu việt của mô hình này chính là tính hiệu quả, đơn giản, dễ dàng áp dụng và phù hợp cho tất cả các doanh nghiệp Việt Nam, kể cả khu vực văn phòng hay khu vực nhà máy. Đặc biệt, những lợi ích to lớn như giảm lãng phí, tăng năng suất, tạo ra môi trường làm việc thân thiện, giao tiếp nội bộ hiệu quả, góp phần giúp hình ảnh công ty tốt lên, gây được ấn tượng tốt với khách hàng là điều không thể phủ nhận của mô hình này.

Bà Trần Thị Thu Hương, Phó Giám đốc sản xuất của Công ty CP Dây cáp điện DAPHACO cho biết, trước khi thực hiện 5S - Kaizen, chất lượng sản phẩm là quan tâm hàng đầu của DAPHACO. Tuy nhiên, DAPHACO lại gặp phải vấn đề về lãng phí, sản phẩm lỗi, năng suất thấp do quản lý máy móc thiết bị và bảo dưỡng chưa tốt. Lãng phí trong quá trình sản xuất, ý thức tuân thủ các quy định của công nhân viên chưa cao… Kể từ tháng 8/2015 đến tháng 9/2016, khi nhận được sự hỗ trợ của Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Nam và Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) về hoạt động cải tiến tại hiện trường sản xuất, DAPHACO đã có những bước tiến rõ rệt: giảm tỷ lệ hàng lỗi, khắc phục được các vấn đề kỹ thuật, chất lượng ổn định, năng suất lao động, máy móc thiết bị tăng lên, xây dựng được đội ngũ cán bộ nòng cốt trong các hoạt động.

Đồng quan điểm, đại diện Công ty TNHH Nhựa Đức Đạt cho rằng, sau khi áp dụng mô hình 5S - Kaizen từ năm 2015 đến nay, Công ty đã tối ưu hóa việc lưu thông hàng hóa nội bộ, tăng hiệu suất sử dụng mặt bằng, đã tạo tiền đề cho các nỗ lực khác thành công và dẫn đến năng lực sản xuất được nâng cao, giảm giá thành, tăng sản lượng, tăng doanh số và lợi nhuận cho Công ty. Kết quả, hiện nay Công ty đã tăng 50% công suất. Đây là một bài học quý cho các doanh nghiệp nếu biết lựa chọn chương trình phù hợp với thực tại, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực.

Ông Nguyễn Văn Tuất cho hay, Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Nam đã và đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ khác nhau như: đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; tư vấn nâng cao năng lực cạnh tranh và gia tăng cơ hội kinh doanh thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin. “Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, thay đổi là nhu cầu tất yếu, tuy nhiên để doanh nghiệp biết được mình cần thay đổi cái gì và như thế nào là một điều không dễ dàng. Do đó, việc đưa ra quyết định cần xem xét giữa yêu cầu của thị trường, của khách hàng và điều kiện, nguồn lực của doanh nghiệp”- ông Tuất bình luận thêm.           

Chuyên đề