Các bị cáo trong phiên tòa xét xử vụ án vỡ đường ống nước sông Đà. Ảnh: Minh Khang |
Khoản thiệt hại trong vụ án này được xác định là 16,6 tỷ đồng, bao gồm chi phí sửa chữa, khắc phục sự cố. Tuy nhiên, nguyên đơn dân sự, bên bị xác định có thiệt hại (Công ty CP Nước sạch Vinaconex - Viwasupco) đã từ chối yêu cầu bồi thường thiệt hại và cho rằng khoản chi này được lấy từ nguồn kinh phí chi phí bảo dưỡng, sửa chữa nằm trong kế hoạch hàng năm.
Trong khi đó, chủ đầu tư nhiều lần nhấn mạnh giá trị, lợi ích to lớn mà Dự án mang lại cho xã hội. Vinaconex cho rằng, đầu những năm 2000, Hà Nội thiếu nước sạch trầm trọng. Người dân bức xúc, chính quyền Hà Nội lo lắng làm sao có đủ nước sạch trong khi tiến trình đô thị hóa đang phát triển mạnh, dân số tăng nhanh. Vinaconex đã mạnh dạn xin thực hiện Dự án với nguồn vốn tự có và vốn vay, không sử dụng ngân sách.
Khoản thiệt hại 16,6 tỷ đồng so với hiệu quả lợi nhuận thì chỉ tương đương 1%. Thời gian mất nước của người dân chỉ chiếm 0,56% so với tổng số giờ phục vụ và về lượng nước chỉ chiếm 0,36%, không quá lớn so với khối lượng đã cung cấp.
Tuy nhiên, theo Hội đồng xét xử, việc tuyến ống này liên tục bị vỡ từ năm 2012 đã làm mất ổn định cuộc sống sinh hoạt của người dân Thủ đô, gây lo lắng trong nhân dân.
Đơn vị khai thác là Viwasupco không yêu cầu bồi thường với lý do là dùng nguồn tiền dự phòng để chi phí. Đây là sự tự nguyện của Công ty, Hội đồng xét xử chấp nhận. Tuy nhiên, việc Công ty khai thác Dự án không yêu cầu bồi thường không có nghĩa là việc vỡ ống không gây ra hậu quả.
Hội đồng xét xử nhận định, căn cứ vào hồ sơ tài liệu chứng cứ có trong vụ án và kết quả thẩm tra công khai tại phiên tòa, đủ kết luận các bị cáo có hành vi vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.
Được biết, Dự án Cấp nước sông Đà - Hà Nội được đưa vào vận hành từ năm 2009. Từ khi đi vào vận hành, tuyến ống nhiều lần xảy ra sự cố vỡ ống, khiến việc cấp nước sinh hoạt cho người dân bị gián đoạn, ảnh hưởng sinh hoạt. Kết luận giám định tư pháp xác định do vi phạm trong quá trình sản xuất ống dẫn đến chất lượng không đồng đều, không thực hiện thử nghiệm 2 tiêu chí trong số 7 tiêu chí của Tiêu chuẩn Ansi/Awwa. Quá trình thi công lắp đặt, ban quản lý, đơn vị tư vấn giám sát chưa kiểm soát chất lượng ống, dẫn đến không phát hiện ra các tồn tại.
Giám định bổ sung về chất lượng ống kết luận, nếu sản xuất ống đúng như thiết kế, thực hiện thí nghiệm khi sản xuất, kiểm tra khi thi công lắp đặt giám sát... thì không thể gây ra sự cố vỡ đường ống.
Hoàng Thế Trung (SN 1960, nguyên Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà, Hà Nội): 24 tháng tù giam
Nguyễn Văn Khải (SN 1961, nguyên Phó Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà, Hà Nội): 20 tháng tù giam
Trương Trần Hiển (SN 1957, nguyên Trưởng phòng Vật tư thiết bị, thuộc Ban QLDA đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà, Hà Nội): 16 tháng tù giam
Trần Cao Bằng (SN 1954, nguyên Giám đốc Công ty CP Ống sợi thủy tinh Vinaconex): 24 tháng tù giam
Vũ Thanh Hải (SN 1960, nguyên Trưởng phòng Sản xuất, nguyên Giám đốc phân xưởng, nguyên Phó Giám đốc Công ty CP Ống sợi thủy tinh Vinaconex): 20 tháng tù giam
Đỗ Đình Trì (SN 1968, nguyên cán bộ Công ty CP Nước và Môi trường Việt Nam - Viwase, Bộ Xây dựng; nguyên Trưởng đoàn tư vấn giám sát tại Dự án Cấp nước sông Đà - Hà Nội): 20 tháng tù giam
Nguyễn Biên Hùng (SN 1950, nguyên cán bộ Viwase, Bộ Xây dựng, nguyên Phó Trưởng đoàn tư vấn giám sát tại Dự án Cấp nước sông Đà - Hà Nội): 16 tháng cho hưởng án treo.
Hoàng Quốc Thống (SN 1955, nguyên cán bộ Viwase, Bộ Xây dựng; nguyên giám sát viên tại Dự án Cấp nước sông Đà - Hà Nội): 16 tháng cho hưởng án treo
Bùi Minh Quân (SN 1972, nguyên Phó Giám đốc Xí nghiệp Xây dựng và Kinh doanh thiết bị thuộc Viwase, Bộ Xây dựng; nguyên giám sát viên tại Dự án Cấp nước sông Đà - Hà Nội): 12 tháng cho hưởng án treo.