Ảnh minh họa: Internet |
Nhà đầu tư không đồng ý giảm trừ theo ý kiến KTNN
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), qua quá trình rà soát các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT theo quy định tại Nghị định số 77-CP ngày 18/6/1997 (NĐ77) và Nghị định số 78/2007/NĐ-CP ngày 11/5/2007 của Chính phủ (NĐ78), có 15 hợp đồng BOT có vướng mắc liên quan đến công tác quyết toán.
Cụ thể, các hợp đồng này có tổng mức đầu tư chưa bao gồm lãi vay trong giai đoạn xây dựng, nhưng lãi vay trong quá trình xây dựng đã được đưa vào phương án tài chính dự án để tính toán thời gian hoàn vốn (bản chất không làm thay đổi thời gian thu phí dự án) và vướng mắc trong việc đàm phán xác định về mức chi phí bảo toàn vốn trên phần vốn chủ sở hữu (CSH) trong thời gian xây dựng tại các hợp đồng BOT ký trước thời điểm Thông tư 166/2011/TT-BTC ngày 17/11/2011 của Bộ Tài chính (TT166) có hiệu lực (15/1/2012). TT166 quy định về quản lý, sử dụng chi phí chuẩn bị dự án và kinh phí hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình quản lý các dự án; một số chỉ tiêu tài chính của hợp đồng dự án; điều kiện và phương thức thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án theo các loại hợp đồng BOT, BTO, BT.
Theo Bộ GTVT, trước thời điểm TT166 có hiệu lực, do chưa có quy định cách xác định chi phí bảo toàn vốn trên phần vốn CSH và lợi nhuận cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền (CQNNCTQ) đã đàm phán với nhà đầu tư và xác định chỉ tiêu này trong hợp đồng dự án. Theo đó, các hợp đồng BOT thực hiện theo NĐ77 xác định mức chi phí bảo toàn vốn đầu tư trên phần vốn CSH của nhà đầu tư trung bình là 4,8%/năm, thời gian thu phí tạo lợi nhuận của nhà đầu tư từ 2 - 3 năm. Các hợp đồng BOT thực hiện theo NĐ78 xác định lợi nhuận nhà đầu tư trên phần vốn CSH trong giai đoạn xây dựng theo từng thời điểm đàm phán hợp đồng từ 11 - 17%/năm, thời gian thu phí tạo lợi nhuận của nhà đầu tư khoảng 3 - 4 năm. Đối với các hợp đồng BOT thực hiện theo Nghị định 108/2009/NĐ-CP (NĐ108) nhưng trước khi TT166 có hiệu lực, xác định lợi nhuận nhà đầu tư trên phần vốn CSH trong giai đoạn xây dựng theo thời điểm đàm phán hợp đồng là 14%/năm.
Tuy nhiên, qua kiểm toán, KTNN đã đề nghị loại bỏ các chi phí tạo lợi nhuận vốn CSH trong thời gian thi công đối với 5 hợp đồng dự án và chi phí bảo toàn vốn trên phần vốn CSH trong thời gian khai thác với 9 hợp đồng dự án, đồng thời, điều chỉnh giảm thời gian thu phí tương ứng do chưa có cơ sở pháp lý để đàm phán ký kết các nội dung này.
Bộ GTVT cho rằng, trên thực tế, nếu không đầu tư vào các dự án này, bằng vốn CSH của mình các nhà đầu tư có thể gửi vào ngân hàng và có lợi nhuận tối thiểu bằng lãi gửi ngân hàng. Việc tính toán các chi phí này phù hợp với quy định tại Điều 4 Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11 và bên ký kết hợp đồng bắt buộc phải tuân thủ. Đồng thời, thực hiện kết luận của KTNN, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và nhà đầu tư đàm phán, điều chỉnh hợp đồng để loại trừ chi phí theo kết luận của KTNN, song các nhà đầu tư không đồng ý giảm trừ nên đến nay chưa thể đàm phán điều chỉnh hợp đồng dự án, dẫn đến khó khăn trong công tác quyết toán.
Giải quyết theo hướng hài hòa lợi ích
Theo Bộ Tài chính, căn cứ quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng là một khoản mục trong tổng mức đầu tư của dự án. Bộ Tài chính đã đề nghị Thủ tướng giao Bộ GTVT rà soát việc phê duyệt các dự án không bao gồm chi phí lãi vay để cập nhật điều chỉnh theo đúng quy định làm cơ sở điều chỉnh và quyết toán hợp đồng dự án.
Đối với chi phí bảo toàn vốn trong giai đoạn trước khi NĐ108 và TT166 có hiệu lực chưa được pháp luật quy định cụ thể, Bộ Tài chính cho biết, ý kiến của các bộ đề nghị thực hiện nội dung này theo quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện và hợp đồng dự án đã ký.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật KTNN, báo cáo của KTNN sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Cuối tháng 1 vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo Bộ GTVT, Bộ Tài chính và KTNN phối hợp thống nhất phương án xử lý, trong đó có nội dung chưa có quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên.
Theo nguồn tin của Báo Đấu thầu, đến ngày 25/2, phương án giải quyết cuối cùng chưa được đưa ra, tuy nhiên, các bên đang tích cực làm việc để xử lý những khó khăn vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ quyết toán các dự án BOT làm cơ sở để điều chỉnh hợp đồng, thời gian thu phí.