Thận trọng với lạm phát

(BĐT) - Những biến động của nền kinh tế thế giới kết hợp với những yếu tố nội tại trong nước đang được các chuyên gia dự báo sẽ làm cho lạm phát trở thành một biến số khó lường trong những tháng còn lại của năm 2016.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Loanh quanh mức 5%

Tại buổi công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam năm 2016, dự báo về lạm phát năm 2016, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, lạm phát chung cho cả năm 2016 sẽ ở quanh mức 5%. Trong kịch bản thận trọng, lạm phát vào khoảng 4,2%.

Về cơ bản, sau một năm 2015 suy giảm, kinh tế thế giới được dự báo sẽ chỉ phục hồi nhẹ trong 2 năm tiếp theo. Giá dầu thô và các hàng hóa cơ bản nhiều khả năng đã chạm đáy trong năm 2015 và đi theo xu hướng tăng trong năm 2016.

Có chung dự báo lạm phát năm 2016 sẽ cao hơn năm 2015, song theo TS. Đặng Ngọc Tú, Trưởng ban Ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, do giá hàng hóa thế giới giảm nhưng giảm ở mức thấp nên mặc dù lạm phát cao hơn năm 2015 nhưng mức cao hơn sẽ không nhiều. Ông Tú đưa ra tính toán, quý I/2016, chỉ số nhập khẩu giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2015, nếu cả năm giá nhập khẩu giảm tương ứng, lạm phát năm 2016 chỉ vào khoảng 3 - 4%.

Trên cơ sở những phân tích về các xu hướng diễn biến chính của kinh tế thế giới và Việt Nam, các chuyên gia kinh tế cảnh báo, lạm phát trở lại là nguy cơ đáng chú ý nhất sau thời gian dài duy trì ổn định ở mức thấp.

Không loại trừ vượt mục tiêu

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Đức Thành nhận định, do mặt bằng giá cả trong năm 2016 có thể sẽ có diễn biến phức tạp đến từ những yếu tố ngoại sinh như: thị trường nguyên liệu thô thế giới (giá dầu ngừng giảm và có thể tăng nhẹ), các yếu tố nội sinh như chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và biến động của tổng cầu, không loại trừ mức lạm phát năm 2016 sẽ đạt 5,2%, vượt qua mục tiêu 5% của Chính phủ.

Theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước cần tính đầy đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp (chưa tính chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định), nên giá dịch vụ y tế và giáo dục sẽ được điều chỉnh tăng đáng kể trong năm 2016. Điều này cùng với xu thế đi lên của giá hàng hóa thế giới và tổng cầu tăng lên khi nền kinh tế hồi phục sẽ gây áp lực đáng kể lên mặt bằng giá.

Theo đó, quý I/2016 đã chứng kiến tốc độ gia tăng xấp xỉ 1 điểm % của chỉ số CPI. Trong khi đó, CPI tháng 4/2016 vừa được Tổng cục Thống kê công bố cách đây không lâu cho thấy mức tăng 0,33% so với tháng trước. Đây là mức tăng cao nhất của CPI các tháng 4 trong vòng 5 năm gần đây.

Nguyên nhân chủ yếu khiến CPI tăng là việc tăng giá xăng, phí dịch vụ y tế, giáo dục, và tăng giá nhóm vật liệu xây dựng do việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu theo quyết định của Bộ Công Thương.

Các chuyên gia dự báo, việc tăng học phí ở một số tỉnh, thành phố có thể sẽ diễn ra cùng với sự phục hồi của giá xăng dầu… sẽ tạo áp lực không nhỏ lên lạm phát ngay trong quý II/2016. Quan trọng hơn, Thông tư số 37/2015/TTLT-BYT-BTC của Liên Bộ Y tế - Tài chính đã có “lộ trình” cho lần điều chỉnh giá dịch vụ y tế tiếp theo diễn ra vào đầu quý III/2016. Như vậy, mức độ của rủi ro vĩ mô cho nền kinh tế trong năm 2016 đến từ lạm phát sẽ trở lên “khó lường” hơn trong những tháng còn lại.

Chuyên đề