Lạm phát có thể tăng trở lại mức 4 - 5%

(BĐT) - Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội vừa công bố Báo cáo vĩ mô quý I/2016, theo đó đưa ra nhiều số liệu cho thấy tăng trưởng kinh tế quý I có xu hướng suy giảm do nhiều lĩnh vực tăng trưởng kém so với cùng kỳ năm ngoái.
Tăng trưởng của lĩnh vực công nghiệp đạt mức thấp nhất trong nhiều quý trở lại đây. Ảnh: Đ. Thanh
Tăng trưởng của lĩnh vực công nghiệp đạt mức thấp nhất trong nhiều quý trở lại đây. Ảnh: Đ. Thanh

Báo cáo cũng chỉ ra một số dấu hiệu bất thường trong nền kinh tế, đồng thời dự báo lạm phát có khả năng tăng trở lại trong năm nay.

Tăng trưởng kinh tế thấp hơn kỳ vọng

Theo số liệu công bố tại Báo cáo của VERP, tăng trưởng kinh tế quý I/2016 chỉ đạt mức 5,46%, thấp hơn mức 6,12% của cùng kỳ năm 2015. “Kinh tế quý I chứng kiến mức suy giảm tăng trưởng đáng kể từ năm 2012. Lần đầu tiên trong vòng 5 năm, tăng trưởng quý I thấp hơn so với mức tăng trưởng của cùng kỳ năm trước”, Báo cáo của VERP nhận định. Nguyên nhân dẫn tới sự suy giảm này chủ yếu là do lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp đều suy giảm, trong đó công nghiệp chỉ tăng 6,72%, mức thấp nhất trong nhiều quý trở lại đây, khu vực nông, lâm, ngư nghiệp cũng suy giảm 1,23%.

Cũng theo thống kê của VERP, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đạt mức trung bình 50,7 điểm trong quý I/2016, phản ánh sự mở rộng khiêm tốn của khu vực sản xuất. Mặc dù vẫn trên ngưỡng 50 điểm, song PMI quý I/2016 vẫn thấp hơn mức trung bình từ 51 - 53 điểm giai đoạn 2014 - 2015. Đặc biệt, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VERP cho biết, chỉ số hoạt động kinh tế (VEPI) được VERP thử nghiệm tính toán tổng hợp dựa trên một số yếu tố như sản lượng điện thương phẩm, kim ngạch xuất nhập khẩu... chỉ tăng 4% so với mức tăng trung bình 5,6% trong năm 2015, giảm mạnh nhất kể từ khi chỉ số này được tính toán từ quý I/2015 đến nay.

TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, tăng trưởng kinh tế quý I gây thất vọng khi không đạt mức kỳ vọng. “Thông thường, tốc độ tăng trưởng trong quý I thường thấp hơn so với các quý tiếp theo, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái là vấn đề rất cần lưu tâm”, ông Thành nhấn mạnh.

Bất ổn trong cán cân thanh toán và thâm hụt ngân sách

Một dấu hiệu khá bất thường được Báo cáo chỉ ra là từ quý 3/2015, bắt đầu xuất hiện xu hướng dòng tiền gửi ở nước ngoài trên quy mô lớn sau khi Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, dẫn tới cán cân thanh toán tổng thể chuyển từ trạng thái cân bằng sang thâm hụt lớn lên tới 6,6 tỷ USD trong quý 3/2015. Điều này cho thấy, chính sách ngoại hối đang gây ra những tác động phụ rất cần được theo dõi chặt chẽ.

Lạm phát rất có thể tăng trở lại ở mức 4 - 5% do áp lực điều chỉnh giá các dịch vụ công do Nhà nước quản lý như y tế, giáo dục. 
Đáng lưu ý, một nhân tố mới xuất hiện là tiền gửi ở nước ngoài vốn không đáng kể ở những giai đoạn trước thì tới thời điểm này gia tăng đột biến lên 7,3 tỷ USD. “Đây là diễn biến bất thường cần phải tiếp tục theo dõi chặt chẽ xu hướng, giải thích và dự báo. Cần lưu ý là trạng thái ngoại hối của hệ thống ngân hàng thương mại trong cùng giai đoạn trên không có sự biến động quá lớn. Điều này đặt ra giả thuyết có thể xem như tình trạng “bẫy thanh khoản” với ngoại tệ của hệ thống ngân hàng, rất cần được lưu ý”, Báo cáo của VERP cảnh báo.

Theo lý giải của VERP, lãi suất huy động và cho vay USD vốn ở mức thấp, cộng với kỳ vọng tỷ giá USD/VND tăng lên sau sự kiện Trung Quốc phá giá khiến thị trường không tìm được mức lãi suất cho vay ngoại tệ cân bằng. Hệ quả là ngân hàng thương mại không tìm được đầu ra cho dòng vốn tiết kiệm ngoại tệ, nên gửi tiền không kỳ hạn/kỳ hạn ngắn ở ngân hàng nước ngoài là giải pháp sinh lợi tối ưu nhất.

Bên cạnh đó, tình trạng thâm hụt ngân sách được TS. Thành cảnh báo là khá nghiêm trọng khi tỷ lệ thâm hụt ngân sách chính thức ở mức 6,34%, vượt xa so với kế hoạch 5% đã được Quốc hội thông qua.

Tránh nôn nóng đạt mục tiêu tăng trưởng cao

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, mặc dù tình hình tăng trưởng trong nước quý I không như kỳ vọng, nhưng về cơ bản, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn tích cực trong năm 2016 nếu những cơ hội từ tự do hóa thương mại được tận dụng và cải cách hành chính tiếp tục được thúc đẩy. Ông Thành khuyến nghị, cần duy trì các chính sách kinh tế hướng tới duy trì mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đặc biệt, cần tránh tâm lý nôn nóng trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng cao khi bắt đầu một nhiệm kỳ Chính phủ mới.

Dự báo về lạm phát năm nay, TS. Nguyễn Đức Thành nhận định, lạm phát rất có thể tăng trở lại ở mức 4 - 5% do áp lực điều chỉnh giá các dịch vụ công do Nhà nước quản lý như y tế, giáo dục. Đây không phải vấn đề đáng lo ngại với nền kinh tế, do lạm phát năm ngoái ở mức thấp, tuy nhiên, cần lưu ý tác động tâm lý đối với người dân và có khả năng tác động tới tăng lãi suất. 

Bên cạnh đó, VERP cũng đề nghị, cần có biện pháp mạnh mẽ để giảm chi thường xuyên thông qua việc cắt giảm chi ngân sách ngắn hạn một cách quyết đoán, đồng thời phải có chiến lược tổng thể và hữu hiệu cắt giảm bộ máy hành chính và chi thường xuyên trong cả nhiệm kỳ để cải thiện tình trạng bội chi ngân sách.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư