Khó lường vì diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm nay dường như đang không theo quy luật. Thông thường, CPI tăng chậm lại trong tháng 3 và tháng 4, nhưng năm nay lại tăng 0,53% trong tháng 3 và tăng 0,33% trong tháng 4 (so với tháng trước) - mức tăng khá cao.
Thậm chí, trong vòng 5 năm trở lại đây, CPI tháng 4 năm nay thuộc diện tăng cao nhất. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng các tháng 4 từ năm 2012 đến nay lần lượt tăng 0,05%; 0,02%; 0,08%; 0,14% và 0,33% so với tháng trước đó.
CPI tháng 4 tăng cao chủ yếu do giá lương thực, xăng tăng và dịch vụ y tế tăng. Quan trọng hơn, tất cả các yếu tố gây tăng giá này vẫn tiềm ẩn nguy cơ trong những tháng tới.
Nhiều khả năng, trong nửa cuối năm 2016, khi giá các mặt hàng y tế và giáo dục được đồng loạt điều chỉnh, khi giá hàng hóa thế giới - trong đó có giá dầu - phục hồi, thì lạm phát sẽ bị đẩy lên cao hơn. Tăng bao nhiêu là phụ thuộc giá dầu và biên độ điều chỉnh giá các dịch vụ công ở Việt Nam.
Chưa kể, một mối lo khác là những tác động do chính sách tiền tệ, tài khóa đem lại. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cung tiền sẽ tăng, do đó, sẽ đẩy lạm phát lên cao hơn.
Tháng 4/2016, CPI dù so với tháng trước, so với cùng kỳ, hay so bình quân đều tăng cao hơn so với chỉ số giá của tháng 4/2015. Điều đó cho thấy, lạm phát năm nay khó có thể ở mức thấp như năm 2015, mà sẽ tăng cao hơn.
Vấn đề đặt ra là, lạm phát năm nay sẽ ở mức bao nhiêu?
Thực tế, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, không nên quá lo lắng về lạm phát năm 2016, bởi xét cả các yếu tố cầu kéo, chi phí đẩy, tiền tệ…, thì lạm phát năm nay khó có thể ở mức quá cao và không thể gây sốc cho nền kinh tế. Sau 4 tháng, lạm phát mới ở mức 1,33% thì cũng vẫn còn nhiều dư địa cho điều hành trong năm nay.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến khó lường, giá dầu trồi sụt bất thường và nhiều khi không đơn thuần liên quan đến cung - cầu thị trường, mà còn là yếu tố chính trị, thì việc cẩn trọng và luôn chủ động ứng phó trước những diễn biến bất thường của thị trường thế giới là điều quan trọng và cần thiết.
Rõ ràng, không phải ngẫu nhiên mà Chính phủ luôn đặt ra yêu cầu là phải điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô và góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.
Thêm vào đó, Tổng cục Thống kê cũng đã đề xuất việc nên tính lạm phát bằng con số bình quân cả năm, thay vì so với tháng 12 năm trước như lâu nay. Đây là cách tính lạm phát theo thông lệ quốc tế. Có lẽ, cũng đã đến lúc phải có sự thay đổi như vậy để có sự thống nhất hơn trong phân tích, dự báo về tình hình kinh tế Việt Nam giữa các định chế tài chính quốc tế và các cơ quan hoạch định chính sách của Việt Nam, từ đó đưa ra các khuyến nghị chính sách điều hành cho phù hợp với tình hình.
Nếu tính bình quân, lạm phát của Việt Nam sau 4 tháng là 1,41%.