Gói thầu bảo hiểm: Đấu để chọn hay để loại?

(BĐT) - Nhiều gói thầu bảo hiểm trong thời gian qua cài cắm những tiêu chí không phù hợp để đánh giá năng lực tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm, hoặc phối hợp nhiều tiêu chí để chỉ có 1 nhà thầu mở được tất cả các khóa. 
Nếu chủ đầu tư thực sự đấu thầu công tâm, trách nhiệm thì sẽ không khó khăn để lựa chọn được nhà thầu bảo hiểm đảm bảo năng lực với giá cạnh tranh. Ảnh: Lê Tiên
Nếu chủ đầu tư thực sự đấu thầu công tâm, trách nhiệm thì sẽ không khó khăn để lựa chọn được nhà thầu bảo hiểm đảm bảo năng lực với giá cạnh tranh. Ảnh: Lê Tiên

Những bài thầu như vậy chỉ để nhằm loại nhà thầu, thậm chí loại đi nhiều doanh nghiệp hàng đầu trên thị trường.

Đưa tiêu chí thứ yếu để loại nhà thầu

Tiêu chí “hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn = tài sản ngắn hạn/tổng nợ ngắn hạn > 1”  được một số chủ đầu tư vận dụng để loại đi không ít doanh nghiệp bảo hiểm lớn. Tiêu chí này theo nhiều chuyên gia bảo hiểm và các quy định hiện hành không phải là tiêu chí thể hiện khả năng thanh toán, bồi thường kịp thời cho khách hàng khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra. Tiêu chí này chỉ phù hợp khi xem xét về khả năng thanh toán của các doanh nghiệp sản xuất, còn đối với doanh nghiệp bảo hiểm, thì phải căn cứ vào chỉ tiêu quan trọng hàng đầu là tỷ lệ biên khả năng thanh toán. Đây là chỉ tiêu đánh giá biên khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong việc đáp ứng các trách nhiệm đã cam kết với khách hàng. Chỉ tiêu này càng lớn thì mức độ đảm bảo khả năng thanh toán của doanh nghiệp càng cao.

Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cũng đã có ý kiến cho rằng, tiêu chuẩn đánh giá về năng lực tài chính không có quy định tiêu chí đánh giá về hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn. Chủ đầu tư không được tùy ý đưa các điều kiện làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu.

Tuy nhiên, một số chủ đầu tư vẫn quyết giữ bằng được tiêu chí này trong hồ sơ mời thầu (HSMT) và với nhiều nhà thầu, đây là một cái khóa khó mở, dù là doanh nghiệp lớn nhất nhì thị trường, đủ khả năng tài chính để đáp ứng yêu cầu của gói thầu.

Một tiêu chí khác mà nhiều nhà thầu đã có phản ánh đến Báo Đấu thầu cho rằng gây hạn chế sự tham gia của không ít doanh nghiệp bảo hiểm, đó là yêu cầu lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong 3 năm gần nhất > 0. Theo một doanh nghiệp bảo hiểm lớn, lợi nhuận thuần từ kinh doanh bảo hiểm không ảnh hưởng tới năng lực của nhà thầu cung cấp dịch vụ bảo hiểm. Các doanh nghiệp bảo hiểm đều trích lập Quỹ dự phòng bồi thường. Năng lực của nhà thầu được thể hiện ở kết quả kinh doanh có lợi nhuận hay không. Năng lực tài chính thể hiện ở hoạt động kinh doanh chung, năm này có thể gặp rủi ro gây lỗ về nghiệp vụ kinh doanh bảo hiểm, nhưng tổng doanh thu, tổng lợi nhuận tốt thì vẫn có thể đảm bảo yêu cầu bồi thường tổn thất. 

Phối hợp tiêu chí để chỉ 1 nhà thầu đáp ứng

Báo Đấu thầu đã từng nhận được phản ánh của nhiều nhà thầu liên quan đến một gói thầu bảo hiểm cho nhà máy điện đưa ra cùng lúc nhiều tiêu chí mà mỗi tiêu chí có thể 2 - 3 nhà thầu đáp ứng, nhưng khi kết hợp các tiêu chí lại thì chỉ có 1 nhà thầu thỏa mãn đầy đủ. Ví dụ yêu cầu “doanh thu bình quân kinh doanh bảo hiểm gốc trong vòng 3 năm 2013 - 2015 lớn hơn 3.000 tỷ đồng”; “xếp hạng tài chính ở mức B++ hoặc cao hơn bởi A.M.Best hoặc được xếp hạng tương đương bởi các tổ chức xếp hạng quốc tế khác”, “Lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ của từng năm trong 5 năm gần nhất không lỗ”.

Phân tích 3 tiêu chí này, một doanh nghiệp bảo hiểm chỉ ra: tiêu chí về doanh thu này là cao đến mức phi lý và không phản ánh được đầy đủ năng lực tài chính của nhà thầu bảo hiểm khi đặt cạnh các tiêu chí về vốn chủ sở hữu, tổng tài sản và quỹ dự phòng nghiệp vụ. Thực tế trên thị trường chỉ có 2 doanh nghiệp bảo hiểm đáp ứng tiêu chí doanh thu, nhưng chỉ có 1 doanh nghiệp đạt cả tiêu chí xếp hạng B++. Mặt khác, có 3 doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí xếp hạng tín nhiệm, thì 1 trong số đó lại không đáp ứng tiêu chí về doanh thu và 1 không đáp ứng tiêu chí về lợi nhuận thuần. Tổng hợp tất cả các tiêu chí lại, chỉ có 1 doanh nghiệp bảo hiểm đáp ứng được đầy đủ. Cùng với đó, bài thầu đưa ra yêu cầu về hợp đồng tương tự mang tính khu biệt trong một lĩnh vực hẹp mà chỉ riêng yếu tố hợp đồng tương tự đã dẫn đến số lượng nhà thầu đáp ứng yêu cầu rất ít.

Bên cạnh việc cài cắm các tiêu chí vào HSMT để loại nhà thầu, vẫn còn một số chủ đầu tư sử dụng những chiêu cản trở “lộ liễu” hơn là gây khó nhà thầu khi mua hồ sơ.

Hiện nay, trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp lớn, năng lực tài chính mạnh. Đây là cơ hội cho các chủ đầu tư nếu thực sự đấu thầu công tâm, trách nhiệm thì sẽ không khó khăn để lựa chọn được nhà thầu đảm bảo năng lực với giá cạnh tranh. Tuy nhiên, từ thực tiễn đấu thầu nhiều gói thầu bảo hiểm thời gian qua, đây vẫn chỉ là một giả thiết chưa thành hiện thực.

Chuyên đề