Tổng công ty Bảo hiểm Dầu khí vừa trúng một gói thầu với giá 533,5 triệu đồng, trong khi giá gói thầu là 3,477 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên |
Lý do KBNN đưa ra là... chỉ có 2 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu. Sự việc lùm xùm này đã cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường bảo hiểm (BH) phi nhân thọ.
Nhà thầu gọi tên đối thủ cạnh tranh
Như Báo Đấu thầu đã phản ánh trong các số báo trước, sau khi nghiên cứu hồ sơ mời thầu (HSMT) gói thầu nêu trên của KBNN, ông Lưu Thế Phương, Phó Giám đốc Công ty CP Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) Chi nhánh Hà Nội không ngần ngại nhận định: “Với các tiêu chí trong HSMT thì hiện nay trên thị trường BH Việt Nam chỉ có tối đa 1 đến 2 doanh nghiệp (DN) đáp ứng được. Các tiêu chí này đã loại bỏ rất nhiều các DN có năng lực cao trên thị trường. Với điều kiện về lợi nhuận thuần trong lĩnh vực kinh doanh BH trong 3 năm liên tục (2013, 2014, 2015) của HSMT, chỉ còn Bảo Minh, cùng lắm là Bảo Việt có thể trúng thầu”.
Những điều kiện trong HSMT của KBNN rõ ràng không phải DNBH nào cũng đáp ứng được và khiếu nại của PJICO Hà Nội là có cơ sở. Nhưng phản ứng gay gắt của nhà thầu này còn cho thấy một câu chuyện khác trên thị trường BH.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, giám đốc một công ty BH cho rằng, các định chế tài chính, trong đó có DNBH thường dành cho nhau sự tôn trọng nhất định. Chỉ đích danh tên DN cùng ngành trong một cuộc đấu thầu cụ thể như trên hiếm khi gặp. Điều đó cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường BH phi nhân thọ, đặc biệt là BH xe cơ giới.
Giải thích về việc đưa ra tiêu chí cao, ông Bùi Mạnh Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Tài vụ quản trị thuộc KBNN cho rằng, hiện nay có quá nhiều công ty BH hoạt động, cạnh tranh ghê gớm và thường bỏ thầu giá rất thấp. Chi phí ít dẫn đến chất lượng dịch vụ không bảo đảm. Thực trạng này khiến bên mời thầu lo lắng về chất lượng dịch vụ. Đối với Gói thầu số 08-QLTS, ông Quân chia sẻ thêm, KBNN thực hiện đấu thầu tập trung, nếu lựa chọn nhà thầu không bảo đảm chất lượng dịch vụ, thì sẽ bị các đơn vị ở địa phương khiếu kiện lên cấp trên.
Giá giảm
Cụ thể, Công ty TNHH MTV Bảo hiểm Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Thăng Long vừa trúng Gói thầu Cung cấp dịch vụ bảo hiểm trách nhiệm trong khám, chữa bệnh do Bệnh viện Bạch Mai làm bên mời thầu. Đáng lưu ý là giá trúng thầu là 299,4 triệu đồng, trong khi giá gói thầu là gần 1,295 tỷ đồng. Như vậy, giá trúng thầu chưa bằng ¼ giá gói thầu.
Tổng công ty CP Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) cũng vừa trúng Gói thầu Bảo hiểm công trình xây dựng thuộc Dự án Xây dựng Trụ sở Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam. Giá trúng thầu là 148,44 triệu đồng, trong khi giá gói thầu là 1,004 tỷ đồng.
Trường hợp tương tự diễn ra tại Gói thầu Bảo hiểm công trình cho các dự án Trạm biến áp 220kV Quận 8, Đường dây 220kV Nam Sài Gòn - Quận 8, Trạm biến áp 110kV Tham Lương, cáp ngầm 110kV đấu nối trạm Tham Lương. Tổng công ty Bảo hiểm Dầu khí (PVI) trúng thầu với giá 533,5 triệu đồng, trong khi giá gói thầu là 3,477 tỷ đồng.
Cá biệt, giá gói thầu giảm tới hơn 10 lần diễn ra tại Gói thầu Bảo hiểm xây dựng công trình cho các dự án lắp máy biến áp do Tổng công ty Điện lực TP.HCM là bên mời thầu (đấu thầu tháng 10/2016). Trong khi giá gói thầu là 2,086 tỷ đồng, giá trúng thầu chỉ là 188 triệu đồng. Nhà thầu trúng thầu là “ông lớn” Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt.
Giá trúng thầu giảm giúp tiết kiệm ngân sách là một trong những mục tiêu mà hoạt động đấu thầu hướng tới. Tuy nhiên, giá giảm sâu có bảo đảm được chất lượng hay không lại là vấn đề khác. Phá giá đang là câu chuyện có thật trên thị trường BH phi nhân thọ hiện nay.