Cạnh tranh trong đấu thầu cung cấp dịch vụ bảo hiểm xây dựng công trình rất khốc liệt. Ảnh: Tiên Giang |
Tiết giảm gần 4 lần cho ngân sách
Đó là trường hợp tại gói thầu Bảo hiểm công trình thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn qua địa phận tỉnh Thái Bình và cầu Ông Hóa do Ban quản lý dự án giao thông nông thôn Thái Bình thuộc Sở GTVT Thái Bình làm bên mời thầu. Theo Kết quả lựa chọn nhà thầu, gói thầu này có hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi trong nước, với giá Gói thầu là 2.511.946.701 đồng. Tổng công ty Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã trúng thầu với giá 646.884.053 đồng.
Như vậy, nhờ đấu thầu rộng rãi, Sở GTVT Thái Bình đã lựa chọn được nhà thầu có mức giá trúng thầu chỉ bằng khoảng 1/4 giá gói thầu được phê duyệt ban đầu (giảm 1.865.062.648 đồng). Theo đánh giá của những người làm công tác đấu thầu thì đây thực sự là một con số tiết kiệm ấn tượng.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Đấu thầu, ngoại trừ những gói thầu chỉ định thầu, rất nhiều gói thầu thuộc lĩnh vực bảo hiểm công trình đều có giá trúng thầu giảm đáng kể. Điển hình như trường hợp của gói thầu Bảo hiểm công trình xây dựng đường, cầu thuộc Dự án đường Đông Tây, Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk. Theo Ban quản lý các dự án TP. Buôn Ma Thuột, thông qua đấu thầu rộng rãi, nhà thầu trúng thầu gói thầu này là Tổng công ty CP Bảo hiểm Petrolimex (Bảo hiểm Pjico) đã chào giá thấp hơn gần 2,7 lần so với giá gói thầu, 1.159.904.000 đồng so với 431.912.000 đồng.
Đáng chú ý, một số gói thầu có giá trị không cao, nhưng tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu cũng rất đáng kể. Điển hình như: Gói thầu số 1 thuộc Dự án Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc cho các trạm biến áp 220 KV và 500 KV năm 2016 và bảo hiểm tài sản cho cáp ngầm đường dây 220 KV và 500 KV Nhà Bè - Tao Đàn do Công ty Truyền tải điện 4 làm bên mời thầu. Gói thầu đã được trao cho Liên danh Công ty CP Toàn Cầu và Tổng công ty Bảo hiểm PVI với giá 502.619.624 đồng (Gói thầu có giá là 737.175.449 đồng).
Đối với đấu thầu quốc tế, nếu như tại các gói thầu xây lắp, việc các nhà thầu bỏ giá dự thầu vượt giá gói thầu là chuyện thường gặp, hoặc tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu là cực kỳ thấp thì tại các gói bảo hiểm, điều này gần như không hề xảy ra. Đơn cử, tại gói thầu Bảo hiểm vận hành Nhà máy Đạm Cà Mau thời hiệu 2016 - 2018, qua đấu thầu rộng rãi quốc tế, giá trúng thầu chỉ là 4.620.172 USD, trong khi giá gói thầu là 5.093.590 USD.
Cuộc đua về giá sẽ ngày càng khốc liệt
Phụ trách Bảo hiểm Xây dựng công trình dân dụng đã hoàn thành của Tổng công ty CP Bảo hiểm Petrolimex chia sẻ thêm, theo quy định hiện hành, lĩnh vực bảo hiểm sẽ cần đến hình thức đấu thầu rộng rãi nhằm lựa chọn được nhà thầu cung cấp dịch vụ tốt nhất. Đặc biệt, với Nghị định số 119/NĐ-CP ngày 13/11/2015 quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, đối tượng mà Nghị định này áp dụng rất rộng, bao gồm: chủ đầu tư, nhà thầu (trong trường hợp phí bảo hiểm công trình đã được tính vào giá hợp đồng); nhà thầu tư vấn; nhà thầu thi công xây dựng; doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng. Do đó, đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ bảo hiểm sẽ ngày càng được áp dụng phổ biến.
Theo các chuyên gia về bảo hiểm, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) có riêng Điều 10 quy định về hợp tác, cạnh tranh và đấu thầu trong kinh doanh bảo hiểm. Theo đó, dự án sử dụng vốn nhà nước, tài sản thuộc sở hữu nhà nước hoặc của doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện đấu thầu về điều kiện, phạm vi, mức trách nhiệm, mức phí, chất lượng dịch vụ, năng lực bảo hiểm và năng lực tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm. Việc đấu thầu phải bảo đảm công khai, minh bạch theo quy định của Luật này và pháp luật về đấu thầu.
“Các cuộc đấu thầu cung cấp dịch vụ bảo hiểm xây dựng công trình khốc liệt về giá phản ánh đúng quy luật cạnh tranh của thị trường hiện nay. Khi nền kinh tế mở cửa ngày càng rộng, các tập đoàn bảo hiểm lớn của thế giới sẽ đến Việt Nam để kinh doanh. Chưa kể, số lượng các công ty bảo hiểm mới ra đời cũng rất lớn. Điều này buộc các doanh nghiệp bảo hiểm phải hạ giá dự thầu nhưng vẫn phải đáp ứng về chất lượng mới có khả năng trúng thầu” - đại diện Tập đoàn Bảo Việt khẳng định.