Yêu cầu xác định bãi tập kết vật liệu: Nhiều bên mời thầu “chơi khó” nhà thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đối với nội dung đánh giá về giải pháp kỹ thuật, bên cạnh vấn đề “nóng” thời gian gần đây liên quan đến yêu cầu xin xác nhận đổ thải, biến tướng trong yêu cầu về việc xác định vị trí bãi tập kết vật liệu cũng làm phát sinh không ít kiến nghị từ các nhà thầu.
Hồ sơ mời thầu yêu cầu vị trí bãi tập kết vật tư phải được xác nhận đồng ý của chính quyền địa phương trước thời điểm nộp hồ sơ dự thầu sẽ gây khó cho nhà thầu. Ảnh: Nhã Chi
Hồ sơ mời thầu yêu cầu vị trí bãi tập kết vật tư phải được xác nhận đồng ý của chính quyền địa phương trước thời điểm nộp hồ sơ dự thầu sẽ gây khó cho nhà thầu. Ảnh: Nhã Chi

Đơn cử, Gói thầu số 10 Thi công xây dựng thuộc Dự án Trường Mầm non trung tâm Quảng Bị, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Chương Mỹ làm chủ đầu tư được mở thầu ngày 13/7. Tại Gói thầu này, hồ sơ mời thầu (HSMT) yêu cầu nhà thầu có phương án bố trí bãi tập kết vật tư, thiết bị thi công hợp lý, khả thi. Trong đó, vị trí bãi tập kết phải được xác nhận đồng ý của chính quyền địa phương; trường hợp đối với đất thuê của hộ dân, thì phải kèm theo hợp đồng thuê đất và sơ đồ vị trí lô đất.

Ngay sau khi HSMT được phát hành, các nhà thầu đã kiến nghị điều chỉnh tiêu chí nêu trên khi cho rằng, quy định như vậy không phù hợp với thực tiễn. Bởi, trường hợp nhà thầu chưa trúng thầu, sẽ khó khăn trong việc xin được xác nhận từ chính quyền địa phương.

Trước phản ứng từ các nhà thầu, Chủ đầu tư khẳng định việc xây dựng nội dung đánh giá như trên là phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu. Song, nhằm gia tăng cạnh tranh tại Gói thầu, Chủ đầu tư đã lược bỏ điều kiện phải có xác nhận của chính quyền địa phương. Theo đó, nhà thầu sẽ đề xuất phương án bố trí bãi tập kết dựa trên đánh giá về tính khả thi trong tổng thể giải pháp kỹ thuật tại hồ sơ dự thầu (HSDT).

Trước đó, trong tháng 6/2021, câu chuyện tương tự xảy ra tại 4 gói thầu xây lắp giao thông do Ban Quản lý Dự án Di dân tái định cư Thủy điện Sơn La làm chủ đầu tư. Theo đó, HSMT các gói thầu này nhận nhiều phản ứng từ các nhà thầu, khi yêu cầu nhà thầu phải có bãi tập kết vật tư, thiết bị phục vụ thi công với diện tích bãi 1.000m2 trên phạm vi tuyến thi công hoặc trên địa bàn huyện nơi triển khai gói thầu.

Tương tự, một gói thầu xây lắp đường giao thông liên xã tại huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội cũng bị các nhà thầu “tố” HSMT “cài cắm” yêu cầu về việc bố trí bãi tập kết vật liệu phải có xác nhận cho phép sử dụng bãi tập kết vật liệu hai bên đầu đường của UBND 2 xã trên địa bàn thi công. Trao đổi với Báo Đấu thầu, một nhà thầu cho biết, để đảm bảo có được xác nhận của chính quyền UBND 2 xã trên địa bàn thực hiện Gói thầu, Nhà thầu nhiều lần tìm gặp lãnh đạo các xã nhưng đều bị từ chối với lý do “bận họp”.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, nhiều nhà thầu cho rằng, các yêu cầu nêu trên đưa ra trong giai đoạn dự thầu sẽ tạo nhiều rào cản. Sẽ hợp lý hơn nếu chủ đầu tư tạo điều kiện để nhà thầu chủ động đề xuất bãi tập kết vật liệu, đổ thải tại bước thương thảo hợp đồng, hoặc sau khi có quyết định phê duyệt trúng thầu, thay vì phải đáp ứng ngay tại thời điểm nộp HSDT.

Theo một chuyên gia đấu thầu, các yêu cầu về phòng thí nghiệm, kho bãi tập kết vật liệu, chất thải… nằm trong số các giải pháp kỹ thuật nhằm đánh giá năng lực nhà thầu. Song, tại nhiều gói thầu, chủ đầu tư/bên mời thầu lại “áp đặt” tiêu chí này một cách khắt khe, chủ quan, khiến các nhà thầu gặp khó khăn.

Chuyên đề