Grab hoạt động khác taxi truyền thống như thế nào. |
Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến dự thảo lần 4 Nghị định 86 (sửa đổi) về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô.
Điểm đáng chú ý trong dự thảo này là quy định áp dụng với các loại xe đang sử dụng hợp đồng điện tử, tính tiền thông qua phần mềm (xe Grab), có nội dung giống như taxi truyền thống. Cụ thể, xe hợp đồng điện tử phải có phù hiệu “XE TAXI” gắn trên kính xe và có hộp đèn với chữ "TAXI ĐIỆN TỬ" gắn cố định trên nóc xe.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam ủng hộ đề xuất của Bộ Giao thông. "Tôi đồng tình đề xuất gắn hộp đèn Taxi điện tử hay gắn logo để phân biệt với xe tư nhân. Khi lái xe Grab kinh doanh giống như taxi thì phải gắn mào, còn nếu anh thấy ngại hoặc xấu hổ vì gắn như vậy thì đừng kinh doanh nữa", ông Thanh nói.
Theo ông Thanh, bản chất của xe Uber, Grab trước khi vào Việt Nam là "kinh tế chia sẻ", giúp giảm xe cá nhân lưu thông trên đường. Song thực tế hiện nay nhiều người đầu tư xe hợp đồng điện tử để kinh doanh như taxi, tỷ lệ xe cá nhân hoạt động khi nhàn rỗi trong lĩnh vực này không nhiều.
"Tôi không biết tỷ lệ bao nhiêu, song khi hỏi lái xe Grab thì đều nhận được câu trả lời rằng họ kinh doanh chuyên nghiệp, không phải tận dụng xe nhàn rỗi", ông Thanh nói.
Đồng quan điểm, TS Trần Hữu Minh, chuyên gia giao thông, cho hay nhiều nước đã coi Grab là taxi vì đây là loại hình vận tải theo nhu cầu trong đô thị, dùng thiết bị đo để tính tiền. Các xe hoạt động theo nguyên lý trên về bản chất là taxi và cần phải được quản lý tương tự taxi.
Để nhận dạng loại hình này, các nước có những quy định như dán logo, màu sơn riêng hoặc gắn hộp đèn taxi trên nóc xe.
Ông Minh lấy thí dụ, ở Malaysia, hiện Uber, Grab phải có giấy phép kinh doanh và giấy phép quản lý xe thương mại. Các hãng này phải nộp hồ sơ lái xe; lái xe kiểm tra sức khỏe mỗi năm một lần so với 2 năm một lần đối với taxi truyền thống; phương tiện phải được kiểm định.
Nhà chức trách Malaysia cũng yêu cầu lái xe Grab có thẻ lái xe thương mại, mua bảo hiểm cho cả phương tiện cũng như hành khách. Taxi truyền thống được đón khách vẫy và khách đặt chỗ qua phần mềm, trong khi Uber và Grab chỉ được đón qua phần mềm.
Trái với các ý kiến trên, ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Hà Nội, cho rằng, "xe Grab là kết quả của công nghệ, không thể bắt nó mặc áo quần như taxi truyền thống".
Theo ông Liên, nếu bắt buộc xe Grab phải gắn mào sẽ làm tăng chi phí xã hội, do đó, các phương tiện này phải được quản lý bằng công nghệ chứ không nên quản lý như taxi thường. Việc gắn hộp đèn trên nóc là không cần thiết vì hiện xe taxi điện tử đã có phù hiệu, "đủ để các cơ quan chức năng kiểm soát".
"Grab là khai thác xe nhàn rỗi, bắt lái xe đục lỗ gắn mào trên nóc sẽ rất khó. Nhiều hành khách cũng không muốn đi xe có mào vì họ thích cảm giác được đi xe riêng", ông Liên nhận định.
Một chuyên gia giao thông khác cũng cho rằng, khi yêu cầu gắn hộp đèn trên nóc thì những xe rảnh rỗi được người dân khai thác kiểu kinh tế chia sẻ sẽ rút dần, chỉ những người đầu tư kinh doanh chuyên nghiệp mới ở lại, trong khi đó, mục tiêu của xã hội cần hướng đến là kinh tế chia sẻ.
Theo vị này, khi xe công nghệ gắn hộp đèn thì khó ngăn chặn việc các xe này hoạt động trên đường giống taxi truyền thống. Lúc này khách có thể vẫy tay để yêu cầu dịch vụ ngay trên đường làm cho tình hình giao thông đô thị phức tạp hơn.
Cả nước có 866 đơn vị vận tải với hơn 36.800 phương tiện tham gia thí điểm hợp đồng điện tử. Trong đó TP HCM có 506 doanh nghiệp, 3 nhà cung cấp phần mềm, với 21.600 xe. TP Hà Nội có 354 đơn vị vận tải, 7 nhà cung cấp phần mềm, với hơn 15.000 xe.
Hiện xe hợp đồng điện tử chỉ được gắn phù hiệu nhỏ trên xe, không có mào trên nóc nên cơ quan chức năng và hành khách khó phân biệt với taxi truyền thống.