Xung lực mới để Sóc Trăng vươn tới thịnh vượng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc khởi công tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được Sóc Trăng đón nhận như một dấu mốc trọng đại, mở ra cơ hội “vàng” để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển đột phá, nâng cao sinh kế người dân xứ Nguyệt Giang, để miền đất Nam sông Hậu vươn tới thịnh vượng. Ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng có những chia sẻ với Báo Đấu thầu nhân sự kiện này.
Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là tiền đề quan trọng để kêu gọi đầu tư và khai thác hiệu quả Trung tâm Logistics Trần Đề trong tương lai
Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là tiền đề quan trọng để kêu gọi đầu tư và khai thác hiệu quả Trung tâm Logistics Trần Đề trong tương lai

Ông đánh giá như thế nào về vai trò của cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đối với tỉnh Sóc Trăng?

Dự án có vai trò rất quan trọng với Đồng bằng sông Cửu Long. Như chúng ta đã biết, việc đầu tư tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ hình thành tuyến cao tốc trục ngang theo hướng Tây Bắc - Đông Nam và kết nối với các tuyến đường chính trục dọc tạo thành hệ thống mạng lưới giao thông có năng lực thông hành lớn, tốc độ cao, rút ngắn khoảng cách và thời gian di chuyển giữa các vùng, miền, tạo liên kết giữa các trung tâm kinh tế - chính trị.

Ông Lâm Hoàng Nghiệp

Ông Lâm Hoàng Nghiệp

Cụ thể, tuyến cao tốc này sẽ kết nối cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang được đầu tư tại TP. Cần Thơ nhằm hình thành hành lang vận tải lớn, quan trọng nhất ở trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với cầu Đại Ngãi, tuyến đường bộ ven biển Trà Vinh - Sóc Trăng - Bạc Liêu sắp được đầu tư, Dự án sẽ giúp Sóc Trăng tiếp cận hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, tạo bàn đạp để thay đổi diện mạo của địa phương.

Tuyến cao tốc hình thành tạo nền tảng tái cơ cấu không gian phát triển kinh tế, kết nối liên thông giữa các đô thị, các cực tăng trưởng dọc hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam. Bên cạnh đó, tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp, đô thị, du lịch, dịch vụ của khu vực; tạo dư địa để tái cấu trúc hệ thống các đô thị, phân bổ lại dân cư, tạo động lực tăng trưởng vùng. Đặc biệt, Dự án sẽ tăng cường kết nối các đô thị trung tâm như TP. Châu Đốc, TP. Long Xuyên, TP. Cần Thơ, TP. Sóc Trăng và Cảng biển nước sâu Trần Đề. Khi đi vào vận hành, Dự án sẽ góp phần gia tăng năng lực vận tải, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu Tịnh Biên (tỉnh An Giang) tới Cảng biển Trần Đề tạo ra tiền đề quan trọng để kêu gọi đầu tư, hình thành và khai thác hiệu quả Trung tâm Logistics Trần Đề trong tương lai. Chúng tôi kỳ vọng Sóc Trăng sẽ có bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế khi cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được khai mở.

Thưa ông, Sóc Trăng có định hướng, kế hoạch gì để khai thác tốt nhất trục động lực Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng khi Dự án được hoàn thành, đưa vào sử dụng?

Để khai thác tốt nhất vai trò của tuyến cao tốc, Sóc Trăng đang nghiên cứu, tổ chức định hướng, lồng ghép vào Quy hoạch Tỉnh. Đáng chú ý nhất là quy hoạch về giao thông, đô thị, công nghiệp… bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và phát triển bền vững trên cơ sở tận dụng lợi thế của tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Theo đó, Tỉnh dự kiến bố trí thêm các đường gom song song với tuyến cao tốc tại các khu vực đô thị. Chúng tôi sẽ nghiên cứu quy hoạch các khu công nghiệp, dịch vụ - thương mại phù hợp, trên cơ sở tận dụng ưu thế của hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam.

Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến khu vực đường dẫn cuối tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng trên địa bàn huyện Trần Đề. Cảng biển Trần Đề đã được bổ sung vào quy hoạch với định hướng trở thành cảng biển đặc biệt, đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ vùng Tây Nam Bộ với năng lực tiếp nhận tàu container trọng tải đến 100 ngàn tấn, tàu hàng rời đến 160 ngàn tấn. Sóc Trăng sẽ tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng trọng yếu, bảo đảm liên kết vùng và kết nối với tuyến cao tốc tại khu vực Trần Đề. Các lĩnh vực ưu tiên phát triển là đô thị, công nghiệp, dịch vụ logistics, môi trường… Đặc biệt, Tỉnh sẽ sớm hoàn thành các thủ tục để kêu gọi đầu tư vào Cảng biển nước sâu Trần Đề.

Là dự án được áp dụng cơ chế đặc thù, lần đầu phân cấp cho địa phương làm đơn vị chủ quản, xin ông chia sẻ về công tác chuẩn bị đầu tư Dự án thành phần 4 (DATP 4) của tỉnh Sóc Trăng?

Ngay từ đầu, tỉnh Sóc Trăng đã chủ động triển khai các bước chuẩn bị đầu tư đối với DATP 4 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Từ tháng 3/2022, chúng tôi thành lập Ban Chỉ đạo để phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành thông suốt; chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh giải quyết các thủ tục, tháo gỡ các vướng mắc nhằm bảo đảm tiến độ Dự án.

Trên cơ sở mốc thời gian khởi công theo Nghị quyết của Chính phủ, Sóc Trăng ban hành kế hoạch chi tiết, trong đó các đầu việc được giao cụ thể cho từng đơn vị, địa phương, định kỳ thực hiện giao ban để kịp thời tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Thủ tục đầu tư và giải phóng mặt bằng (GPMB) là nhiệm vụ lớn ở bước chuẩn bị đầu tư. Ngay khi được giao làm đơn vị chủ quản DATP 4, Tỉnh đã giao Ban Quản lý dự án 2 làm chủ đầu tư và chỉ đạo triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian theo cơ chế đặc thù. Kết quả, DATP 4 đã được phê duyệt trước thời hạn vào ngày 16/1/2023. Công tác GPMB cũng được tiến hành đúng tiến độ với 1.794 hộ bị ảnh hưởng, diện tích thu hồi khoảng 331 ha. Hiện tại, phương án bồi thường, hỗ trợ được người dân đồng thuận với tỷ lệ cao. Ước tính đến ngày khởi công, chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ đạt trên 70% diện tích. Công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp được thực hiện đúng quy định, công tác chuẩn bị hoàn tất, đủ điều kiện khởi công trước thời hạn 13 ngày so với Nghị quyết.

Nhìn chung, đây là dự án đầu tiên Sóc Trăng được phân cấp làm cơ quan chủ quản, có quy mô rất lớn, tính chất phức tạp, yêu cầu thời gian triển khai gấp rút. Trong quá trình thực hiện, Sóc Trăng đã và sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương có liên quan. Tuy nhiên, Dự án áp dụng nhiều cơ chế chính sách đặc thù, nên cũng có những vướng mắc nhất định. Với sự chủ động, nỗ lực và quyết tâm cao, Tỉnh đã từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện khởi công Dự án vượt mốc thời gian đề ra.

Sau khởi công, bước thực hiện đầu tư cũng rất quan trọng. Sóc Trăng có giải pháp gì để đưa Dự án về đích thành công, thưa ông?

Theo Nghị quyết của Chính phủ, Dự án phải cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026, hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ vào năm 2027. Do vậy, phát huy các kết quả đã đạt được, thời gian tới Sóc Trăng sẽ đề ra những giải pháp phù hợp, trong đó tập trung vào khâu lập kế hoạch chi tiết các công việc cần phải triển khai từ khi khởi công đến hoàn thành Dự án theo các mốc thời gian đã định để làm cơ sở theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị tổ chức thực hiện.

Chúng tôi xác định khâu hồ sơ thủ tục phải chính xác ngay từ đầu, hạn chế tối đa việc điều chỉnh, bổ sung làm ảnh hưởng tiến độ. Bên cạnh đó, công tác lựa chọn nhà thầu có tính quyết định đến tiến độ, chất lượng Dự án, nên Sóc Trăng chỉ đạo tổ chức lựa chọn nhà thầu phải chặt chẽ, công khai, minh bạch, đúng quy định nhằm chọn được nhà thầu có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm thi công các gói thầu tốt nhất.

Trong quá trình thi công, chúng tôi sẽ kiểm tra, giám sát, đôn đốc các nhà thầu bảo đảm tiến độ theo hợp đồng đã ký kết; giải ngân ngay sau khi có khối lượng, tạo điều kiện thuận lợi về tài chính cho các nhà thầu. Chúng tôi sẽ khen thưởng kịp thời nhà thầu vượt tiến độ, đạt chất lượng; cương quyết xử lý nhà thầu để chậm tiến độ. Ngoài ra, Sóc Trăng sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương khác như An Giang, Hậu Giang, TP. Cần Thơ triển khai toàn Dự án nhịp nhàng. Đồng thời, tranh thủ sự hỗ trợ về chuyên môn, kinh nghiệm của các bộ, ngành Trung ương nhằm tháo gỡ kịp thời vướng mắc trong quá trình thực hiện đầu tư.

BÕ: Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 được Trung ương giao cho các địa phương làm chủ đầu tư và triển khai xây dựng, với 4 dự án thành phần.

Tỉnh Sóc Trăng thực hiện Dự án thành phần 4. Đây là dự án quan trọng quốc gia; quy mô đầu tư giai đoạn 1 gồm 4 làn xe, tổng chiều dài tuyến khoảng 58,37 km, vận tốc thiết kế 100 km/h; diện tích sử dụng đất khoảng 386,62 ha.

Dự án thành phần 4 có tổng mức đầu tư trên 11.960 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên 1.788 tỷ đồng (giải phóng mặt bằng toàn bộ 6 làn xe); chi phí xây dựng trên 8.551 tỷ đồng; chi phí thiết bị 5,52 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án trên 45 tỷ đồng, tư vấn đầu tư xây dựng trên 276 tỷ đồng và chi phí khác trên 282 tỷ đồng; chi phí dự phòng khoảng 1.012 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, trong đó tỉnh Sóc Trăng cam kết bố trí 1.000 tỷ đồng (tối thiểu 50% chi phí giải phóng mặt bằng) từ kế hoạch trung hạn 2021 - 2025. Kế hoạch vốn năm 2023 được giao là trên 1.483 tỷ đồng.

Chuyên đề