Xuất siêu gần 10 tỷ USD - mừng hay lo?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, nhưng cán cân thương mại hàng hóa Việt Nam 5 tháng năm 2023 tiếp tục tích cực với số liệu xuất siêu 9,8 tỷ USD. Song nhiều ý kiến cho rằng, con số này chưa hẳn đáng mừng vì kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất khẩu, chủ yếu là nguyên vật liệu phục vụ sản xuất đồng nghĩa với việc doanh nghiệp (DN) rất khó khăn.
5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 136,17 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 126,37 tỷ USD, giảm 17,9%. Ảnh: Lê Tiên
5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 136,17 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 126,37 tỷ USD, giảm 17,9%. Ảnh: Lê Tiên

Vì thế, hơn lúc nào hết, việc thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, khơi thông thị trường cũng như tăng cường nội lực cho DN càng trở nên cấp thiết.

Những mối lo thường trực

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 136,17 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 126,37 tỷ USD, giảm 17,9%. Cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng ước tính xuất siêu 9,8 tỷ USD.

Với kết quả này, TS. Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại thuộc Bộ Công Thương đánh giá, trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng như trong nước có nhiều khó khăn, cán cân thương mại vẫn xuất siêu là điều tốt. Theo ông Phương, xuất siêu giúp nền kinh tế gia tăng dự trữ ngoại hối, ổn định kinh tế vĩ mô… “Tuy nhiên, phân tích sâu hơn lại thấy kim ngạch xuất nhập khẩu giảm, trong đó nhập khẩu giảm rất mạnh thì xuất siêu chưa hẳn là đáng mừng”, ông Phương cho biết.

Ông Phương phân tích, tình hình kinh tế thế giới cũng như trong nước vẫn trong tình trạng rất khó khăn. Nhiều thị trường, nhất là các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, EU… đều cắt giảm tiêu dùng, kéo đơn hàng xuất khẩu của DN trong nước sụt giảm mạnh. “Hơn 90% hàng hóa nhập khẩu của nước ta là hàng tư liệu phục vụ hoạt động sản xuất để xuất khẩu. Nhập khẩu tư liệu giảm chứng tỏ nền kinh tế đang gặp khó khăn, sản xuất đình trệ, rất đáng ngại”, ông Phương lo lắng.

Cùng với đó, hàng hóa xuất siêu vẫn chủ yếu là những sản phẩm từ khai thác tài nguyên thiên nhiên hoặc có sử dụng nhiều lao động. Với các sản phẩm khác, DN tham gia xuất khẩu chủ yếu vẫn nhập khẩu nguyên phụ liệu về gia công, lắp ráp hàng hóa rồi xuất khẩu... Điều này cho thấy hiệu quả kinh tế trong hoạt động xuất siêu của nước ta chưa cao; giá trị gia tăng còn hạn chế.

Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân (TP.HCM) cho rằng, xuất siêu hiện nay chủ yếu nằm ở khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), DN trong nước vẫn nhập siêu lớn. Mối liên kết giữa DN trong nước với DN FDI còn lỏng lẻo…

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa còn chỉ ra, tỷ lệ nội địa hóa trong hàng xuất khẩu của DN trong nước chưa chuyển biến nhiều. Vì thế, khi kinh thế thế giới có biến động, DN trong nước đã và sẽ gặp rủi ro thiếu nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, DN trong nước chưa khai thác tốt cơ hội, chưa tận dụng được lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết. Hiện xuất khẩu của Việt Nam sang các nước có FTA vẫn thấp hơn so với một số nước khác không có FTA. Ngay trong lĩnh vực nông nghiệp, mặc dù đây là lĩnh vực thế mạnh của nước ta nhưng vẫn đang nhập hàng tỷ USD nông sản từ thế giới…

Các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, EU… đều cắt giảm tiêu dùng, kéo đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước sụt giảm mạnh. Ảnh: Nhã Chi

Các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, EU… đều cắt giảm tiêu dùng, kéo đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước sụt giảm mạnh. Ảnh: Nhã Chi

Tăng cường nội lực, mở rộng thị trường

Nhấn mạnh xuất khẩu đã và sẽ là một trong động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng, ông Phương cho rằng, để xuất siêu thực sự hiệu quả, điều trọng yếu nhất đối với các DN Việt Nam, trong đó có DN tham gia xuất khẩu là thực hiện đồng bộ những giải pháp nhằm tăng cường nội lực, từ đó góp phần nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa cũng như DN.

Hơn 90% hàng hóa nhập khẩu của nước ta là hàng tư liệu phục vụ hoạt động sản xuất để xuất khẩu. Nhập khẩu tư liệu giảm chứng tỏ nền kinh tế đang gặp khó khăn, sản xuất đình trệ, rất đáng ngại

Theo ông Phương, trong bối cảnh nhiều thị trường xuất khẩu lớn suy giảm sức cầu, cần tích cực đẩy mạnh phát triển các thị trường mới, thị trường tiềm năng như: Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu… và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan như ASEAN. Thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, qua đó giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Đồng tình với việc cần tiếp tục tìm kiếm cơ hội từ các thị trường mới để mở rộng thị trường xuất khẩu, song đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhìn nhận, chúng ta cần khai thác hiệu quả hơn cơ hội từ các FTA mà Việt Nam tham gia. Theo ông Nghĩa, nhiều DN đề cập là xuất khẩu dệt may sụt giảm mạnh do thiếu đơn hàng, nhưng có thông tin cho biết đối thủ lớn của ngành dệt may Việt Nam là Bangladesh lại có nhiều đơn hàng tốt do họ đã nhanh chân hơn trong việc xanh hóa chuỗi cung ứng.

Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) thì cho rằng, cần đặc biệt chú trọng công tác đánh giá, phân tích, dự báo, nhất là khi có những biến động lớn về thị trường nhằm hạn chế tối đa những tác động bất lợi tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, góp phần thúc đẩy xuất khẩu hiệu quả.

Trong thời gian qua, nhiều ý kiến kiến nghị Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn vào các ngành công nghiệp nền tảng như công nghiệp vật liệu, cơ khí, sinh học… để nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế, từ đó thúc đẩy xuất khẩu bền vững. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có sự phát triển rõ ràng trong các ngành công nghiệp nền tảng, cũng như công nghiệp mới tại Việt Nam.

Chuyên đề