Ảnh minh họa. |
Có hai thái cực trước những thông tin được Báo Đấu thầu phản ánh: Vào cuộc quyết liệt để xử lý tiêu cực hoặc im lặng, né tránh. Căn nguyên của tình trạng này được lý giải ra sao?
Hai mảng màu đối lập
Chỉ riêng trong quý III/2016, Báo Đấu thầu đăng tải một loạt bài báo phản ánh nhiều tiêu cực tại các gói thầu có sử dụng vốn ODA. Đầu tiên phải kể đến loạt bài “Cướp HSDT trước cổng Ban QLDA Thủy lợi Bình Định”. Không lâu sau đó, Báo Đấu thầu tiếp tục đưa loạt bài “Táo tợn cướp hồ sơ dự thầu tại Đắk Lắk”. Điều đáng nói, các gói thầu này đều sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Và ADB ngay lập tức có hành động quyết liệt để xử lý những hành vi quấy nhiễu, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà thầu dự thầu. Gần nhất là hành động của Vụ Liêm chính thuộc Ngân hàng Thế giới đã vào cuộc điều tra hành vi bán thầu thông qua hợp đồng giao khoán tại gói thầu do Ban Quản lý nâng cấp đô thị TP. Mỹ Tho (Tiền Giang) làm Chủ đầu tư. Sự vào cuộc nhanh chóng và có trách nhiệm của nhà tài trợ đã giúp lấy lại niềm tin cho nhiều nhà thầu và bắt buộc các cơ quan tại địa phương tiếp nhận dự án phải đồng hành với nhà tài trợ làm rõ các cáo buộc của nhà thầu.
Ngược lại với tinh thần trên, câu chuyện nhà thầu bị cướp HSDT không hề mới và nóng đối với các gói thầu sử dụng vốn ngân sách nhà nước, đặc biệt là trong lĩnh vực thủy lợi, giao thông. Ngay từ những năm 2008, 2009, nhiều nhà thầu tại Nghệ An và Hà Tĩnh đã kêu ca rất nhiều về thực trạng cướp HSDT này. Thậm chí, có một số nơi, nhà thầu không bị cướp HSDT, mà lại bị cản trở, hành hung, cấm đường đến địa chỉ nộp HSDT. Tuy nhiên, điều đáng buồn là lâu nay những tiếng kêu cứu này của nhà thầu thường rơi vào im lặng vì cách xử lý thiếu trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, của ngay các chủ đầu tư, và người có thẩm quyền.
Mới đây nhất, Báo Đấu thầu đăng tải bài viết phản ánh “Dân anh chị” lại cản nhà thầu nộp HSDT tại Gói thầu xây lắp Công trình đường Tôn Đức Thắng kéo dài, đoạn từ cầu Quảng Khai đến đường Nguyễn Tất Thành kéo dài, do Ban QLDA & XDHT đất dịch vụ huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc làm bên mời thầu. Cho đến nay, những phản ánh về hành vi cản trở nhà thầu nêu trên chưa có thông tin phản hồi hay sự vào cuộc kiểm tra của cơ quan chức năng. Còn rất, rất nhiều những phản ánh của nhà thầu khi tham gia các gói thầu sử dụng ngân sách trong nước bị rơi vào tình trạng trên. Trước đó, gói thầu do Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm chủ đầu tư, gói thầu do Công ty TNHH MTV ICD Tân Cảng Sóng Thần làm bên mời thầu, và hàng loạt gói thầu khác dù Báo Đấu thầu phản ánh thường xuyên nhưng không có nhiều phản hồi tích cực từ chủ đầu tư. Nhiều nhà thầu đã có tâm trạng chán nản, bi quan và chấp nhận “sống chung” với vấn nạn này chỉ để tồn tại và có việc làm cầm cự.
Phải trị tận gốc tiêu cực
“Đố ai dám xử lý nhà thầu của quan chức. Chính điều này dẫn tới những hành động xử lý sai phạm không kịp thời, không đúng trách nhiệm của những người có thẩm quyền. Một khía cạnh khác, các gói thầu sử dụng ngân sách trong nước bị tố có nhiều hành vi tiêu cực trong thời gian qua không bị xử lý đến nơi đến chốn là do thói cả nể, xuề xòa, dễ dàng cho qua chuyện của nhiều cơ quan có thẩm quyền. Mọi lý do dẫn đến việc các chính quyền địa phương, người có thẩm quyền không phát huy hết trách nhiệm đối với những sai phạm trong đấu thầu đều dẫn đến hậu quả xấu trong công tác đấu thầu, ảnh hưởng tồi tệ đến hiệu quả sử dụng ngân sách” - ông Tăng bức xúc.
Trong khi đó, theo phân tích của nhiều chuyên gia đấu thầu, với các nhà tài trợ quốc tế, theo thông lệ, tiền thì họ đã cho Chính phủ Việt Nam vay, nghĩa là họ không có liên quan nhiều đến quá trình tổ chức đấu thầu. Tuy nhiên, vì tôn trọng nguyên tắc minh bạch, coi trọng hiệu quả của công tác đấu thầu, các nhà tài trợ luôn sẵn sàng vào cuộc và xử lý mạnh mẽ khi có thông tin về tiêu cực. Đó là nguyên nhân chính dẫn tới cách hành xử trái ngược nhau dù cùng một hành vi. Chuyên gia Trần Du Lịch cho rằng, để không còn nhiều hiện tượng như trên, trước hết cần sự vào cuộc đúng trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền, cần phát huy vai trò chất vấn của Hội đồng nhân dân. Các cơ quan thanh tra, cơ quan bảo vệ pháp luật phải vào cuộc.
“Hiện nay, Chính phủ đang nêu cao tinh thần hành động. Chúng ta lấy câu chuyện cách hành động quyết liệt của các nhà tài trợ đối với những tiêu cực trong đấu thầu vừa qua để làm tấm gương cho các chủ đầu tư đang được giao sử dụng ngân sách khi tổ chức đấu thầu cần noi theo. Đó mới là cách thực thi tinh thần Chính phủ hành động một cách hiệu quả, tốt đẹp nhất” - ông Lê Văn Tăng khuyến nghị.