Xử lý chồng chéo quy định pháp luật, hỗ trợ DN phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước vừa được Chính phủ gửi Quốc hội.
Các quy định có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập tập trung vào 10 lĩnh vực có tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ảnh: Nhã Chi
Các quy định có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập tập trung vào 10 lĩnh vực có tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ảnh: Nhã Chi

Qua rà soát đã phát hiện những quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo, bấp cập, không phù hợp thực tiễn gây nên rào cản, khó khăn, kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp (DN). Trên cơ sở đó, Chính phủ đề xuất hướng xử lý nhằm tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ DN phát triển.

Vẫn còn chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật (Tổ công tác) đã rà soát 8.779 văn bản (gồm 249 bộ luật, luật; 43 nghị quyết của Quốc hội; 44 pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 1.163 nghị định của Chính phủ; 866 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 6.414 văn bản của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ). Phạm vi rà soát là các văn bản quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực (tính đến ngày 30/6/2020), trừ Hiến pháp, trọng tâm là các lĩnh vực pháp luật tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh.

Số quy định pháp luật có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển tập trung vào 10 lĩnh vực có tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh như: điều kiện gia nhập thị trường, tổ chức quản lý và hoạt động của DN; phê duyệt, triển khai, tổ chức thực hiện, chấm dứt dự án đầu tư; đất đai, tài nguyên, môi trường, xây dựng và kinh doanh bất động sản; kiểm tra chuyên ngành…

Đơn cử, đối với quy định về phê duyệt, triển khai, tổ chức thực hiện, chấm dứt dự án đầu tư, có sự chồng chéo, mâu thuẫn. Điển hình là quy định không thống nhất về các khái niệm “DN có vốn đầu tư nước ngoài”, “tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài”, “cổ phần, phần vốn góp chi phối” giữa Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Đất đai năm 2013.

“Luật Đất đai năm 2013 quy định “DN có vốn đầu tư nước ngoài”, trong khi Luật Đầu tư năm 2014 quy định “tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài”. Mặt khác, Luật Đất đai năm 2013 quy định về “cổ phần, phần vốn góp chi phối” còn Luật Đầu tư năm 2014 và Luật DN năm 2014 không có quy định về nội dung này”, Tổ công tác đánh giá. Theo Tổ công tác, việc quy định như tại các luật nêu trên có thể tạo ra cách hiểu khác nhau, gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án có vốn đầu tư nước ngoài.

Về kiểm tra chuyên ngành - lĩnh vực lâu nay nhận được không ít phàn nàn của DN - cũng được Tổ công tác “chỉ mặt, điểm tên” những quy định đang tạo rào cản cho DN. Trong đó có quy định chồng chéo về cấp giấy phép giữa các cơ quan khi thực hiện thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu.

Cụ thể, theo Nghị định số 69/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương, các loài động vật, thực vật nguy cấp thuộc các phụ lục CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp) khi nhập khẩu, xuất khẩu phải có giấy phép nên khi tạm nhập tái xuất phải có giấy phép của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, theo quy định của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước CITES, khi tái xuất các loài động vật, thực vật nguy cấp thuộc các phụ lục CITES phải có Giấy phép CITES do cơ quan có thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cấp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Như vậy, phải có 2 giấy phép khi thực hiện thủ tục này, gây khó khăn cho việc thực hiện các thủ tục tạm nhập tái xuất.

Chia sẻ với báo giới mới đây, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh: “Trong thực tế, ngay cả một bản phụ lục trong một nghị định hay mẫu biểu trong thông tư cũng có thể cài cắm các quy định gây tốn kém thời gian, chi phí cho DN”.

Khẩn trương xử lý

Từ những những bất cập, mâu thuẫn trong các quy định pháp luật nên trên, Chính phủ kiến nghị Quốc hội khẩn trương thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng đề xuất cụ thể của Chính phủ. Chẳng hạn, với quy định không thống nhất về các khái niệm “DN có vốn đầu tư nước ngoài”, “tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài”, “cổ phần, phần vốn góp chi phối” giữa Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Đất đai năm 2013, Chính phủ đề xuất sửa đổi quy định của Luật Đất đai năm 2013 để thống nhất với quy định của pháp luật về đầu tư, DN; đồng thời có chính sách quản lý đất đai phù hợp.

Về kiểm tra chuyên ngành, đối với quy định chồng chéo về cấp giấy phép giữa các cơ quan khi thực hiện thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu theo Nghị định số 69/2018/NĐ-CP và Nghị định số 06/2019/NĐ-CP, Chính phủ đề xuất phương án nghiên cứu, đề xuất giao một cơ quan quản lý cấp giấy phép tạm nhập tái xuất đối với các loài động vật, thực vật nguy cấp thuộc các phụ lục CITES để thuận tiện cho việc thực hiện các thủ tục tạm nhập tái xuất.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác xây dựng, thi hành pháp luật trong thời gian tới, Chính phủ đề xuất, kiến nghị các cơ quan của Đảng và Quốc hội tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, thi hành pháp luật, nhất là định hướng đối với những chính sách lớn trong các dự án luật quan trọng và bảo đảm gắn kết hiệu quả giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật. Đặc biệt, Chính phủ nhấn mạnh, Quốc hội tiếp tục quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật, nhất là các bộ luật, luật; xem xét, chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện phương án xử lý các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn được nêu tại Báo báo và các phụ lục kèm theo…

Ở góc độ DN, ông Lộc nhấn mạnh yêu cầu thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025. Theo đại diện VCCI, Nghị quyết này đang tạo nên đợt sóng cải cách lần thứ 3 trong nhiệm kỳ Chính phủ này khi đặt mục tiêu giảm tối đa số lượng văn bản quy phạm pháp luật dưới luật để hạn chế tình trạng thông tư của bộ, ngành ảnh hưởng tới sự phát triển của DN.

Chuyên đề