Xây dựng loạt nghị định, thông tư thay thế về giao dịch bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm

(BĐT) - Theo kế hoạch, trong năm 2019 Bộ Tư pháp sẽ thực hiện xây dựng dự thảo một số văn bản liên quan đến giao dịch bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm tạo sự thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật, tránh rủi ro pháp lý cho các tổ chức tín dụng và các cá nhân, tổ chức có liên quan.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Mới đây, Bộ Tư pháp đã ban hành Danh mục phân công các đơn vị xây dựng văn bản, đề án thuộc thẩm quyền ban hành hoặc liên tịch ban hành của Bộ Tư pháp năm 2019, trong đó xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ trong việc xây dựng 19 Thông tư, 26 Quyết định, Đề án và 1 Chỉ thị.

Theo kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp kỳ 2014-2018 ban hành tại Quyết định 156/QĐ-BTP ngày 28/1/2019, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm và Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP sẽ là một trong các văn bản được Bộ Tư pháp đề nghị Chính phủ thay thế trong kỳ hệ thống hóa 2014-2018.

Theo đó, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP là Nghị định hướng dẫn một số điều của Bộ luật Dân sự năm 2005 về việc xác lập, thực hiện giao dịch bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm (đã hết hiệu lực thi hành và bị thay thế bởi Bộ luật dân sự năm 2015). Do đó, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP cũng được coi là hết hiệu lực thi hành.

Trên thực tế, nhiều tổ chức tín dụng vẫn căn cứ vào Nghị định số 163/2006/NĐ-CP để xác lập, thực hiện và xử lý tài sản bảo đảm vì đây là văn bản quy định chi tiết về vấn đề này. Mặc dù vậy, các tổ chức tín dụng vẫn rất lo ngại về hiệu lực thi hành của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP cũng như giá trị pháp lý của các giao dịch bảo đảm được ký kết theo hướng dẫn của Nghị định này. Do đó, cần phải có văn bản thay thế Nghị định số 163/2006/NĐ-CP để hướng dẫn chi tiết việc ký kết, thực hiện giao dịch bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm nhằm tạo sự thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật, tránh rủi ro pháp lý cho các tổ chức tín dụng và các cá nhân, tổ chức có liên quan.

Để thực thi có hiệu quả Bộ luật dân sự, Bộ Tư pháp cho rằng, cần thiết phải có sự rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật về giao dịch bảo đảm để đảm bảo sự phù hợp và thống nhất với quy định của Bộ luật dân sự năm 2015.

Cùng với đó, Bộ cũng có kế hoạch bãi bỏ 2 thông tư cũng liên quan đến lĩnh vực giao dịch bảo đảm, đó là: Thông tư liên tịch số 15/2013/TTLT-BTP-BGTVT-BTNMT-BCA ngày 5/11/2013 hướng dẫn việc trao đổi, cung cấp thông tin về tài sản bảo đảm giữa cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm với tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền lưu hành tài sản; Thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN ngày 6/6/2014 hướng dẫn một số vấn đề về xử lý tài sản bảo đảm.

Ngoài ra, 2 thông tư sẽ được thay thế, đó là: Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-BTP-BGTVT ngày 30/3/2012 hướng dẫn việc đăng ký, cung cấp thông tin về cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, thế chấp tàu biển; Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BTP-BTNMT ngày 23/6/2016 hướng dẫn việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.

Chuyên đề