Xây cơ chế mở rộng trách nhiệm xử lý, tái chế chất thải

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Triển khai cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) là nhằm thúc đẩy nhận thức về vòng đời của sản phẩm và khuyến khích hướng tới nền kinh tế tuần hoàn bền vững. Nhưng để phát triển được một chương trình EPR hiệu quả, tiến bộ và có thể quản lý được là một thách thức lớn, bởi vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về quy định tỷ lệ tái chế, hình thức tái chế, đóng góp tài chính… trong Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Theo ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ TN&MT (đại diện cho Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định), EPR yêu cầu các nhà sản xuất phải có trách nhiệm đối với việc xử lý hoặc tiêu hủy các sản phẩm, bao bì sau tiêu dùng. Việc đóng góp tài chính và mức kinh phí hỗ trợ tái chế được xác định theo khối lượng hoặc đơn vị sản phẩm, bao bì. Nhà sản xuất có thể lựa chọn cách thức thực hiện như tự tổ chức thực hiện tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ hoạt động tái chế chất thải. Mục tiêu triển khai EPR là nhằm giảm thiểu việc thải bỏ chất thải của sản phẩm, bao bì gây ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh việc tái chế và phát triển thị trường vật liệu thứ cấp.

Đối tượng áp dụng của Dự thảo Nghị định là các sản phẩm thải bỏ (ắc quy và pin, thiết bị điện và điện tử, dầu nhớt các loại, săm, lốp, phương tiện giao thông) và các loại bao bì giấy, kim loại, thủy tinh, nhựa phế thải có giá trị tái chế.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển được một chương trình EPR tại Việt Nam hiệu quả, tiến bộ và có thể quản lý được là một thách thức lớn. Đó là cơ sở hạ tầng cho quản lý chất thải rắn không theo kịp với tốc độ phát sinh chất thải. Tỷ lệ doanh nghiệp (DN) nhỏ và siêu nhỏ và cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ (hộ gia đình) là rất lớn. Lượng phế liệu nhập khẩu lớn. Lượng sản phẩm đã qua sử dụng nhập khẩu cũng lớn. Thương mại điện tử phát triển nhanh, bao gồm cả thương mại xuyên biên giới, dịch vụ vận chuyển đến tận tay người tiêu dùng cuối cùng mà chi phí vận chuyển rẻ hơn trong nước, thậm chí trong cùng tỉnh. Lực lượng lao động phi chính thức trong lĩnh vực tái chế hiện khá lớn, đa số là DN nhỏ và siêu nhỏ hay hộ gia đình.

Tại Hội thảo góp ý cho Dự thảo Nghị định được VCCI phối hợp với Bộ TN&MT tổ chức ngày 16/6, đại diện Liên minh không rác Việt Nam (VZWA) cho rằng, cần có kết quả khảo sát thực tế để xác định tỷ lệ tái chế. Tỷ lệ thu gom cao và khả năng có thể tái chế của bao bì, sản phẩm hoàn toàn không đồng nghĩa với tỷ lệ tái chế cao. Kinh nghiệm ở một số nước cho thấy, sau khi thu gom, phân loại, thì phần lớn rác thải nhựa được xử lý bằng cách đốt rác hoặc xuất khẩu sang nước kém phát triển. Do đó, trước tiên cần định nghĩa rõ về tỷ lệ tái chế bắt buộc của từng loại bao bì, sản phẩm, tỷ lệ tái chế thực tế và tỷ lệ mà các nhà sản xuất phải đóng phí.

Riêng đối với ngành bao bì nhựa, VZWA đề nghị tính cả theo khối lượng và đơn vị. Nếu chỉ tính bằng khối lượng thì nhà sản xuất có thể lách luật, sử dụng bao bì nhựa nhẹ hơn (mà bao bì nhựa càng nhẹ thì càng khó thu gom và tái chế).

Mặt khác, nếu phí xử lý chất thải nhỏ hơn phí tái chế thì nhà sản xuất sẽ có động cơ chuyển sang sử dụng bao bì khó tái chế, hoặc lựa chọn thực hiện trách nhiệm xử lý thay vì trách nhiệm tái chế để giảm chi phí EPR. Do đó, VZWA đề xuất, đối với những sản phẩm thải bỏ không có giá trị tái chế thì phí xử lý phải cao hơn phí tái chế đáng kể để các nhà sản xuất chuyển sang sử dụng bao bì có giá trị tái chế hoặc giảm sử dụng bao bì khó tái chế. Cùng một loại bao bì, sản phẩm không có giá trị tái chế thì cách xử lý cần khác nhau tùy thuộc vào kích thước (to/nhỏ, dày/mỏng) và đặc điểm (một hay nhiều lớp) của bao bì.

Liên quan đến giới hạn dung tích đối với các sản phẩm/bao bì phải nộp phí tái chế, có ý kiến cho rằng, Ban soạn thảo cần làm rõ quy định đối với loại bao bì nhỏ khó thu gom và tái chế, vì nếu không sẽ gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng hơn về môi trường. Nhà sản xuất đồ uống có thể chuyển từ chai dung tích trên 300ml xuống dưới 300ml để không phải nộp phí tái chế. Khi đó sẽ làm cho số lượng rác thải bao bì nhựa từ các loại chai nhựa dung tích nhỏ tăng lên, trong khi việc thu gom và tái chế bao bì nhỏ sẽ khó khăn hơn. Kinh nghiệm của một số nước như Ấn Độ, họ đã cấm sử dụng chai nhựa dung tích nhỏ dưới 200ml.

Việc quy định chỉ những nhà nhập khẩu có hoặc tổng doanh thu hàng năm từ 15 tỷ đồng trở lên, hoặc tổng mức nhập khẩu hàng năm từ 10 tỷ đồng trở lên; hoặc sử dụng từ 10.000kg nhựa trở lên làm nguyên liệu sản xuất mới phải có trách nhiệm EPR là chưa hợp lý. Ở Việt Nam, số lượng DN vừa và nhỏ chiếm 90% tổng số các DN, nếu quy định như vậy sẽ có nguy cơ thất thu phí EPR, đồng thời không tuân thủ nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, không khuyến khích được các DN mở rộng quy mô, xã hội không được hưởng lợi từ những ngành có hiệu quả kinh tế tăng theo quy mô. Do đó, nên có lựa chọn mở cho nhà sản xuất/nhập khẩu như khai báo và đóng phí dựa trên lượng sản phẩm/bao bì sản xuất/sử dụng hoặc nhập khẩu; hoặc áp dụng các mức phí dẹt cho các DN nhỏ (tương tự việc thu thuế đối với các hộ kinh doanh).

Mặt khác, một số ý kiến cũng chỉ ra, Dự thảo Nghị định không nêu cụ thể hoạt động xử lý ô nhiễm thứ cấp từ hoạt động tái chế, điều này dẫn đến việc các DN có thể lựa chọn công nghệ tái chế cấp thấp và có thể gây nhiều tác động đến môi trường.

Còn theo khuyến nghị của Hiệp hội Bia rượu, nước giải khát Việt Nam, Dự thảo Nghị định cần quy định lộ trình cho tỷ lệ tái chế bắt buộc, theo hướng tăng dần từng năm cho đến khi đạt được tỷ lệ tái chế cần thiết. Đối với tỷ lệ tái chế bắt buộc, chu kỳ điều chỉnh là 24 tháng/lần và được thông báo cho các DN liên quan trước ít nhất 6 tháng và xem xét không vượt quá 5% cho mỗi lần điều chỉnh.

Chuyên đề