Nếu không được kiểm soát chặt chẽ, việc nhà đầu tư bên ngoài đặt thiết bị vào bệnh viện dễ dẫn đến tiêu cực, ảnh hưởng đến khả năng chi trả của người bệnh. Ảnh: Lê Tiên
Đây là nhận định của Liên hợp quốc (UN) tại Việt Nam từ kết quả khảo sát một số dịch vụ xã hội thiết yếu như giáo dục và y tế.
Thương mại hóa dịch vụ công?
Ông Richard Colin Marshall, chuyên gia của UN tại Việt Nam nhận xét, với việc thực hiện mô hình XHH, người dân đang phải tự chi trả nhiều hơn cho dịch vụ y tế, giáo dục. Việc giảm ngân sách nhà nước và tăng các loại phí dịch vụ y tế, giáo dục có nguy cơ dẫn đến việc giảm lượng người tham gia dịch vụ, gây ảnh hưởng tiêu cực đến những người trong nhóm thu nhập thấp.
Theo chuyên gia này, nhiều quốc gia trên thế giới cũng phải đối mặt với sức ép tương tự, phải điều chỉnh chính sách tài khóa mà vẫn phải duy trì vai trò then chốt của nhà nước trong việc đáp ứng những yêu cầu dịch vụ công bắt buộc. Các quốc gia khác trong khu vực, trước đây đã có một lộ trình tương tự với Việt Nam, hiện nay đều đã thay đổi cách tiếp cận. Một ví dụ là chính sách XHH của Trung Quốc diễn ra vào đầu những năm 2000 với rất nhiều điểm tương đồng với chính sách mà Việt Nam đang tiến hành. Việc tăng phí thu từ người sử dụng một cách thiếu cân bằng và việc thực hiện chính sách không được quản lý chặt chẽ đã dẫn đến số lượng người tham gia giảm và tình trạng không công bằng xã hội gia tăng. Từ năm 2004, Trung Quốc phải thay đổi chính sách này.
Đánh giá của UN cũng khá tương đồng với ý kiến của một số chuyên gia về chính sách công trong nước khi cho rằng, cách làm XHH hiện nay tuy có thu hút được sự tham gia đầu tư, nhưng cần xem xét lại ở khía cạnh mất công bằng xã hội.
Ông Vũ Văn Hưng, cán bộ Vụ Kế hoạch - Tài chính thuộc Bộ Y tế cho biết, XHH trong lĩnh vực y tế nhiều khi bị lạm dụng, nhất là theo hình thức liên doanh liên kết, đặt thiết bị của nhà đầu tư bên ngoài vào bệnh viện. Hình thức này rất dễ dẫn đến tiêu cực, ảnh hưởng đến khả năng chi trả của người bệnh. Ví dụ, nếu các hợp đồng đặt máy có tỷ lệ chia lợi nhuận giữa nhà đầu tư và bệnh viện là 70 - 30, thì thực tế nhà đầu tư chỉ lấy khoảng 50, 60%, tỷ lệ không chính thức còn lại chi trả cho bệnh viện, trong đó có phần cho bác sĩ kê đơn. Vì thế, không ít trường hợp bác sĩ kê đơn chỉ định xét nghiệm không cần thiết hoặc yêu cầu điều trị không thiết thực để sử dụng thiết bị XHH, dẫn đến người bệnh phải trả chi phí cao hơn.
Cần minh bạch, cạnh tranh
Thực tế khung pháp lý về XHH đã được ban hành khá sớm với Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 và Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP đã đưa ra các quy định cơ bản đối với việc thực hiện XHH trong các lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, giám định tư pháp. Các nghị định này quy định các chính sách khuyến khích phát triển XHH; về danh mục chi tiết loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện XHH.
Tuy nhiên, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo hình thức XHH chỉ được quy định sơ bộ tại Nghị định số 69/2008/NĐ-CP và Thông tư số 15/2007/BYT của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc sử dụng tài sản để liên doanh liên kết hoặc góp vốn liên doanh để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ của các cơ sở y tế công lập. Mặt khác, các văn bản pháp luật này chưa quy định cụ thể quy trình, tiêu chí cụ thể để lựa chọn. Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, nhiều cơ sở thực hiện XHH thường tự lựa chọn đối tác, nhà đầu tư tư nhân.