Vượt lên trên sự tuân thủ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chủ tịch Viện Thành viên Hội đồng quản trị (VIOD) kiêm Chủ tịch Deloitte Việt Nam Hà Thu Thanh khiến cả Hội nghị doanh nghiệp niêm yết năm 2022 bật cười khi công bố kết quả chấm Thẻ điểm quản trị công ty (QTCT) khu vực ASEAN, với nhận định: “Chúng ta vẫn bền bỉ ở vị trí thứ 6”...
Chủ tịch Deloitte Việt Nam Hà Thu Thanh

Chủ tịch Deloitte Việt Nam Hà Thu Thanh

Thứ 6 là vị trí cuối bảng trong xếp hạng, thứ hạng mà bà Thu Thanh cho rằng, cần phải thay đổi để giá trị doanh nghiệp Việt Nam tốt hơn, hình ảnh đất nước đẹp hơn trên thị trường tài chính quốc tế.

Nỗi niềm điểm quản trị doanh nghiệp

10 năm trước, để thúc đẩy hội nhập tài chính khu vực cũng như nâng cấp QTCT hướng đến sự minh bạch và phát triển bền vững, Diễn đàn thị trường vốn ASEAN 2012 đã đưa ra sáng kiến về triển khai Chương trình thẻ điểm QTCT, chấm điểm về QTCT các doanh nghiệp niêm yết ở các nước trong khu vực (gọi tắt là ACGS). Ngay từ khi ý tưởng được khởi xướng, các nhà quản lý và quản trị tiên tiến ở Việt Nam đã hưởng ứng nhiệt tình, với mong muốn Chương trình ACGS sẽ hỗ trợ khối doanh nghiệp niêm yết tiếp cận và hiểu hơn về việc QTCT theo thông lệ tốt, dựa trên đối sánh kết quả để nhận thức thực trạng QTCT so với mặt bằng chung trong cả nước và khu vực, vạch ra lộ trình phát triển QTCT tốt nhằm thu hút các dòng vốn đầu tư và tạo dựng lợi thế phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

Theo thể lệ, Chương trình được thực hiện 2 năm/lần, với 6 nước tham gia, gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore và Việt Nam. Tại mỗi kỳ đánh giá, mỗi quốc gia sẽ đề cử danh sách 100 công ty niêm yết có vốn hoá lớn nhất và có tài liệu cổ đông bằng tiếng Anh tại thị trường chứng khoán của quốc gia đó để tham gia. Sau vòng 1 do mỗi quốc gia tự chấm giải, sẽ lựa chọn ra 35 doanh nghiệp để được đánh giá chéo bởi các tổ chức Viện thành viên hội đồng quản trị là đại diện thành viên hội đồng đánh giá tại các quốc gia ASEAN khác, để đảm bảo sự tin cậy, từ đó, xác định được điểm số các DN của các quốc gia, cũng như tìm ra các DN có thực hành QTCT tốt nhất.

Với Việt Nam, điểm tích cực trong kết quả Chương trình Thẻ điểm ASEAN năm qua là Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã đạt được 2 giải thưởng, đó là tiếp tục được xếp hạng trong Giải các Tài sản có giá trị của ASEAN, và tiếp tục duy trì danh hiệu xếp hạng trong Top 3 doanh nghiệp quản trị tốt của Việt Nam. Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang và Tập đoàn FPT cũng là 2 doanh nghiệp sánh vai cùng với Vinamilk được danh hiệu Top 3 doanh nghiệp quản trị tốt của Việt Nam. Tuy nhiên, điểm QTCT của tổng số các DN được đánh giá tại Việt nam khi so sánh với các quốc gia khác cho thấy Việt Nam vẫn đứng cuối bảng.

Như bà Hà Thu Thanh chia sẻ, có nhiều lý do để Việt Nam đứng cuối, mặc dù mỗi năm, QTCT của các doanh nghiệp đều có cải thiện, nhưng tổng điểm của Việt Nam vẫn đang ở vị trí cuối cùng là do những cải tiến trong quản trị của DN Việt Nam vẫn còn chưa nổi bật, và không theo kịp được tốc độ cải tiến trong quản trị của các nước trong khu vực ASEAN. Mỗi quốc gia được đề cử ra 100 doanh nghiệp, nhưng trong kỳ đánh giá ACGS năm 2021, trong cả nước Việt Nam chỉ có được 87 doanh nghiệp niêm yết đáp ứng được điều kiện tối thiểu để được đánh giá trong Chương trình Thẻ điểm ASEAN (có bản báo cáo thường niên và các công bố thông tin cổ đông bằng tiếng Anh). Chương trình Thẻ điểm ASEAN mang tầm khu vực, nhưng Việt Nam lại có quá ít doanh nghiệp đủ điều kiện tối thiểu, đó là công bố thông tin bằng tiếng Anh. Mặc dù không khó để khắc phục, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa giải quyết điểm yếu cố hữu này, vì vậy đã tự đặt mình bên lề cuộc chơi “ACGS” quan trọng này. Điểm yếu cố hữu này đã được chỉ ra từ nhiều năm, tuy nhiên, mức độ cải thiện của doanh nghiệp còn thấp. ACGS là cơ hội quảng bá hình ảnh doanh nghiệp trong cuộc chạy đua thu hút vốn đầu tư nước ngoài, các DN các nước bạn trong khu vực ASEAN khẩn trương cải thiện QTCT qua từng ngày để được xếp hạng cao hơn và nhận diện bởi các quỹ đầu tư quốc tế, tuy nhiên một điều đáng lo ngại là hầu hết DN Việt Nam bàng quan trước cuộc đua này, trong khi vốn là câu chuyện sống còn cho sự tồn tại và phát triển của DN, đặc biệt trong bối cảnh cơ hội rất nhiều mà nguồn vốn thì hạn chế như hiện nay.

Điểm yếu tiếp theo là đại đa số doanh nghiệp niêm yết mới chỉ dừng ở việc tuân thủ quy định pháp lý trong khuôn khổ Việt Nam. Vượt lên trên sự tuân thủ và thực thi các thông lệ quản trị tốt (trong đó quan trọng nhất là Hội đồng quản trị hiểu và làm đúng vai trò của mình; xây dựng chuẩn mực văn hóa doanh nghiệp), vẫn còn là câu chuyện mới mẻ. Thậm chí, ngay cả việc tuân thủ, nhiều doanh nghiệp niêm yết cũng chưa đạt. Thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cho biết, có 12% doanh nghiệp niêm yết chưa đảm bảo cơ cấu thành viên HĐQT độc lập; 5% doanh nghiệp vi phạm quy định về giao dịch với cổ đông, người quản lý doanh nghiệp và người có liên quan. Một số doanh nghiệp vi phạm về việc ủy quyền cho HĐQT duyệt các giao dịch theo thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông và nhiều công ty không ký kết hợp đồng bằng văn bản khi tiến hành giao dịch với người có liên quan… Năm 2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải ban hành đến 450 quyết định xử phạt hành chính, trong đó có nhiều quyết định xử phạt vi phạm về QTCT là một thực tế cho thấy, công tác quản trị vẫn là điểm yếu của cộng đồng doanh nghiệp Việt.

Cải thiện thứ hạng, cách nào?

Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh tầm quan trọng của QTCT đối với kết quả hoạt động hiện tại và sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp. Đây là lý do từ nhiều năm nay, cải thiện chất lượng QTCT luôn là vấn đề được quan tâm trong khu vực và toàn cầu.

Bà Hà Thu Thanh cho rằng, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cần xuất phát từ trái tim biết rung động của người lãnh đạo, đi từ giá trị yêu thương đích thực - Tiền từ túi, Tình từ tâm và Tuệ từ trí. Khi đã xác định được giá trị cốt lõi, hoạt động kinh doanh cũng như những trách nhiệm xã hội sẽ rất nhẹ, rất sáng...

Tại Việt Nam, công tác QTCT bắt đầu được quan tâm vào năm 2009, sau khi các doanh nghiệp và TTCK trải qua những ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (năm 2008). Tuy nhiên có một thực tế đáng báo động là đa số thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam chưa bao giờ qua đào tạo về QTCT một cách đầy đủ, kịp thời và cập nhật nhất. Đã đến lúc thị trường nhìn nhận về thành viên Hội đồng quản trị là một nghề chuyên nghiệp hơn là một vị trí. Thị trường Việt Nam đang cần chuyển từ nhận thức sang chương trình hành động thông qua các kênh trung gian như VIOD. Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam là một tổ chức chuyên nghiệp nhằm nâng cao nhận thức và góp phần thúc đẩy việc áp dụng các chuẩn mực và thông lệ QTCT tốt tại các doanh nghiệp Việt Nam. Các hoạt động của VIOD hướng đến chuyên nghiệp hóa Hội đồng Quản trị (HĐQT), thúc đẩy các chuẩn mực cao về đạo đức kinh doanh và tính minh bạch, thiết lập một mạng lưới các thành viên HĐQT độc lập, xây dựng để kết nối các lãnh đạo doanh nghiệp với các bên có quyền lợi liên quan, và qua đó giúp các công ty duy trì và cải thiện niềm tin của nhà đầu tư. Vào tháng 3/2018, VIOD được chính thức thành lập trong khuôn khổ Sáng kiến Quản trị Công ty Việt Nam (VCGI) với hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO). VIOD hoạt động trong mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) và Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, bà Hà Thu Thanh cho rằng, môi trường kinh doanh càng nhiều thách thức khó lường, các nhà lãnh đạo, các thành viên HĐQT doanh nghiệp càng cần được trang bị và cập nhật những kiến thức, nguyên tắc QTCT tốt để phát triển và nâng cao năng lực thực hành quản trị. “Trước khó khăn của môi trường kinh doanh, năm 2022, VIOD tiến thêm một bước, đó là xây dựng Chương trình thành viên cá nhân nhằm mục tiêu kết nối các thành viên HĐQT - những người đang thực hành và thực sự làm nghề QTCT, làm giàu kiến thức, kinh nghiệm QTCT, mở rộng cơ hội và tôn vinh những giá trị của người làm nghề QTCT này”, bà Thu Thanh nói.

Trong khu vực, chương trình IMP đã được Viện Thành viên HĐQT tại một số nước như Singapore, Thái Lan, Malaysia… triển khai hiệu quả và mang lại nhiều giá trị hữu ích cho các thành viên HĐQT. Việt Nam học tập từ quốc tế và bà Thu Thanh cho biết, thông qua mạng lưới đối tác chiến lược, VIOD sẽ kết nối các nhà QTCT của Việt Nam với mạng lưới các nhà QTCT tại nhiều nước để tăng cường cơ hội giao lưu học hỏi kinh nghiệm và mở rộng phạm vi hành nghề, góp sức tạo giá trị mới cho các doanh nghiệp và thị trường vốn.

Buổi ra mắt IMP của Việt Nam có sự tham dự của bà Zarinah Anwar, Chủ tịch Viện Thành viên HĐQT Malaysia. Bà Zarinah Anwar đánh giá rất cao sáng kiến của VIOD và cho rằng, sáng kiến này không chỉ tốt cho tương lai doanh nghiệp, mà còn mở rộng cơ hội nghề nghiệp cho các nhân sự có tài năng, có đạo đức chọn làm nghề QTCT. Bà hy vọng, IMP sẽ là mạng lưới rất có ảnh hưởng trong việc dịch chuyển tư duy và cách thức hoạt động của từng thành viên HĐQT và các HĐQT - ở đó, mỗi người sẽ trở thành một người học trọn đời.

Hạnh phúc là được cho đi…

Trong nỗ lực giúp cộng đồng doanh nghiệp hiểu công tác QTCT, tuân thủ quy định và thực hành các nguyên tắc vượt trên sự tuân thủ, VIOD kết nối những chuyên gia giỏi trong và ngoài nước đến chia sẻ với doanh nghiệp, làm rõ tư duy quản trị, cách tạo dựng năng lượng tổ chức và xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Nhận diện điểm thiếu, yếu và hỗ trợ doanh nghiệp dường như trở thành một sứ mệnh của doanh nhân Hà Thu Thanh. Nhiều năm liền giữ cương vị Chủ tịch Deloitte Việt Nam - 1 trong 4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới - nhưng ở bà, luôn mang một phong thái cởi mở, sẵn sàng lắng nghe, thấu hiểu, sẵn sàng chia sẻ năng lực và tâm huyết của mình để góp sức hỗ trợ doanh nghiệp vững từ gốc đi lên.

Tâm sự với nhà báo, bà Thanh cười kể: “Bên cạnh công việc chính ở Deloitte Việt Nam, tôi có nhiều loại việc không lương lắm”. Làm Chủ tịch VIOD, Phó chủ tịch Nữ doanh nhân Việt Nam… là những loại việc như thế. Năm 2022, bà Hà Thu Thanh được nhận thêm một việc nữa khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định bổ sung doanh nhân Hà Thu Thanh vào Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng. Bà được giao nhiệm vụ trực tiếp tham gia Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng. Bà Thanh chia sẻ, nhận nhiệm vụ mới, bà sẽ là đại diện cho tiếng nói của các nữ doanh nhân, với mong muốn kết nối khu vực kinh tế tư nhân với nhà hoạch định chính sách, các nhà triển khai chính sách, để tạo thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phát triển.

Sự phát triển đó không chỉ là tăng trưởng về hiệu quả, mà phải đặt trong mối quan hệ hài hòa với môi trường, xã hội, hay nói cách khác, đó là phát triển bền vững, vì con người, bảo vệ Trái đất, bảo vệ sự sống. Theo bà Thanh, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, cần xuất phát từ trái tim biết rung động của người lãnh đạo, đi từ giá trị yêu thương đích thực - Tiền từ túi, Tình từ tâm và Tuệ từ trí. Khi đã xác định được giá trị cốt lõi, hoạt động kinh doanh cũng như những trách nhiệm xã hội sẽ rất nhẹ, rất sáng. Tại Deloitte Việt Nam, như bà chia sẻ, trách nhiệm xã hội từ lâu đã được thực hiện và lan tỏa trên toàn hệ thống, điển hình là chương trình đã triển khai được 10 năm là hiến máu nhân đạo và Quỹ học bổng Thắp sáng tương lai trở thành một phần không thể thiếu của người Deloitte.

Rất nhiều người biết bà Hà Thu Thanh ngạc nhiên với sức làm việc và sự lạc quan, tươi mới của người phụ nữ đã bước qua tuổi 60 này. Đảm nhận nhiều vai trò trong xã hội, bà vẫn đi hiến máu đều đặn và làm rất nhiều việc giúp đỡ những cảnh đời nghèo khó. Có lần tôi hỏi, nguồn năng lượng nào giúp bà làm được nhiều việc tốt cho cuộc sống? Bà cười thật tươi và bảo, đó là tình yêu cuộc sống và cảm nhận hạnh phúc mỗi khi được cho đi…

Chuyên đề

Kết nối đầu tư