Theo dự báo, tăng trưởng kinh tế năm 2018 của Việt Nam ước đạt 6,58%. Ảnh: Huấn Anh |
Với hứng khởi đó cùng nhiều kích lực khác, tăng trưởng kinh tế năm 2018 dự báo sẽ ở mức 6,58%, thậm chí sẽ cao hơn nếu cải cách quyết liệt hơn.
Dự cảm sáng
Tại Hội thảo Triển vọng kinh Việt Nam 2017 và triển vọng 2018: Vững bước cải cách diễn ra sáng ngày 25/1, tại Hà Nội, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, chúng ta bước vào năm 2018 với nhiều hứng khởi. Kết quả phát triển kinh tế - xã hội tương đối ấn tượng trong năm 2017 đã giúp củng cố niềm tin vào cải cách thể chế kinh tế nói chung và môi trường kinh doanh nói riêng.
Theo ông Dương, năm 2017 chứng kiến những nỗ lực mới nhằm triển khai các chủ trương lớn về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Những nỗ lực ấy càng trở nên thực chất hơn sau khi những giải pháp đa dạng nhưng thiếu chiều sâu, thiếu quyết liệt trước đó chưa giúp cải thiện đáng kể chất lượng tăng trưởng cho đến năm 2016.
Về môi trường kinh doanh, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh thuộc CIEM khẳng định, môi trường kinh doanh có sự cải thiện mạnh mẽ. Năm 2017, nhiều bộ, ngành đã có sự vào cuộc một cách khá toàn diện. Đơn cử như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành các quy chế phối hợp thực hiện thủ tục khởi sự kinh doanh; Bộ Tài chính tiếp tục cải cách về thủ tục thuế, hải quan… Nhờ đó, năng lực cạnh tranh của Việt Nam cải thiện cả về điểm số và thứ hạng. Trong đó, năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam ở vị trí 47/127 – thứ hạng cao nhất từ trước đến nay.
Về tăng trưởng kinh tế, CIEM dự báo năm 2018 ước đạt 6,58%. Tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 9,4%... “Nhìn ở góc độ cải cách, nếu thực sự mạnh mẽ hơn chắc chắn tăng trưởng sẽ đạt kết quả khả quan hơn dự báo”, ông Dương nhận định.
Cải cách để tháo các nút thắt
Cho rằng năm 2018 kinh tế Việt Nam đang có khởi đầu rất đẹp, may mắn, vững chắc, ông Nguyễn Đình Cung hy vọng đây sẽ là một năm đầy triển vọng đối với kinh tế Việt Nam. Hơn nữa, năm 2018 cũng là bản lề nhiệm kỳ 2016 - 2020. “Hy vọng những “hứng khởi” này sẽ tiếp đà cho cải cách thể chế kinh tế về thị trường nhân tố sản xuất”, ông Cung nhấn mạnh.
Theo dự báo của CIEM, diễn biến của kinh tế vĩ mô năm 2018 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố như: Qúa trình phục hồi của kinh tế thế giới có ít nhiều bất định; tự do hóa thương mại đa phương gặp nhiều thách thức do xu hướng bảo hộ và cách tiếp cận thương mại song phương dần phổ biến hơn, trả đũa thương mại giữa các nền kinh tế lớn có thể diễn biến phức tạp; Việt Nam có thể phải phòng ngừa rủi ro dòng vốn nước ngoài đảo chiều gây áp lực tỷ giá và cán cân thanh toán… Vì vậy, vững bước cải cách là ưu tiên cần tập trung trong năm 2018. Nếu không tiếp tục đà thúc đẩy cải cách, lập tức sẽ tạo ngay rào cản cho những nỗ lực vừa qua.
Chuyên gia Phạm Chi Lan nêu quan điểm rằng, cần nhiều hơn những hành động thiết thực thu hẹp khoảng cách giữa chính sách và thực thi, từ đó những cải cách sẽ có hiệu quả thực chất. Về cắt giảm điều kiện kinh doanh, bà Lan cho rằng, để giảm hiện tượng không ít bộ, ngành còn lúng túng trong phân biệt điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề và quản lý chuyên ngành với sản phẩm, hàng hóa thì cần thiết nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của cơ quan quản lý.
Đồng tình với thông điệp này, ông Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, cho rằng, vấn đề quan trọng nhất của Việt Nam trong năm 2018 là ổn định kinh tế vĩ mô. Để làm được điều này, Việt Nam cần tích cực hơn trong tái cơ cấu khu vực DN nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa, ổn định DN đi đôi với quản trị DN.
Nhiều chuyên gia khác cũng nhấn mạnh giải pháp cho tăng trưởng trong năm 2018 như: tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu khu vực DNNN, nâng cao hiệu quả đầu tư công, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển…