VPBank – tiềm lực tài chính tốt sẽ tăng sức chống lại rủi ro lạm phát

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -  Sự phục hồi khả quan của nền kinh tế Việt Nam trong Q4/2021 đã tạo tiền đề cho giới phân tích nhận định tích cực về đà tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 2022.

Trong đó, với kết quả kinh doanh rất đáng khích lệ trong năm 2021 dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, ngành ngân hàng được kỳ vọng tiếp tục giữ vững thành quả trong năm 2022 khi môi trường lãi suất thấp tiếp tục duy trì và lạm phát được kiểm soát. Tuy nhiên, những diễn biến liên quan đến việc tăng lãi suất của Fed cùng với xung đột Nga-Ukraine trong thời gian gần đây khiến giá hàng hoá toàn cầu tăng đột biến làm áp lực lạm phát gia tăng, đây được xem là rủi ro hệ thống cản trở lớn nhất đến sự phục hồi của ngành ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Diễn biến giá hàng hoá gần đây cho thấy rủi ro lạm phát đang dần hiện hữu, đặc biệt khi các chính sách cấm vận Nga đang ngày càng gia tăng trên phạm vi toàn cầu bất chấp những động thái hòa đàm gần đây khiến giá hàng hoá khó có khả năng bình ổn ngay. Mặc dù NHNN vẫn đang chủ động giữ mức lãi suất ổn định nhằm hỗ trợ phục hồi nền kinh tế nhưng dưới áp lực lạm phát NHNN sẽ có khả năng phải gia tăng lãi suất làm ảnh hưởng trực tiếp đến biên lãi thuần (NIM) của các ngân hàng thương mại (NHTM). Ở bình diện ngành, tác động này sẽ có thể rõ rệt trong ngắn hạn nhưng trong trung - dài hạn, các mức lãi suất cho vay sẽ được điều chỉnh tương ứng từ đó phần nào bảo toàn được NIM của các ngân hàng. Hơn nữa, tác động này cũng sẽ không giống nhau đối với từng NHTM. Những ngân hàng có mức NIM cao cũng như kỳ vọng tăng trưởng hạn mức hoạt động cao từ hệ số an toàn vốn tốt và nguồn thu dồi dào ngoài lãi sẽ có bộ đệm vững vàng chống lại rủi ro gia tăng lãi suất. Điển hình trong số đó là Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng – VPBank (HOSE: VPB).

Với phân khúc khách hàng chủ lực đến từ nhóm khách hàng cá nhân, SME và khách hàng tài chính tiêu dùng, NIM của VPBank luôn dẫn đầu ngành trong hơn 5 năm gần đây và kỳ vọng sẽ duy trì vị thế này trong nhiều năm tiếp theo. Cụ thể, NIM trung bình của VPBank đạt hơn 8.0%, cao hơn nhiều so với mức bình quân khoảng 4% của toàn ngành nhờ danh mục cho vay tiêu dùng và bán lẻ chiếm lần lượt 20% và gần 50% tổng danh mục cho vay hợp nhất toàn ngân hàng. Ngoài ra, chi phí vốn cũng là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới NIM của ngân hàng và liên quan mật thiết với sự dao động của lãi suất. Do đó, ngoài chiến lược “đại dương xanh” hướng đến nhóm khách hàng phổ thông và cận phổ thông để tối ưu hóa NIM, VPBank đã tích cực đầu tư chuyển đổi số hiệu quả nhằm thu hút CASA (năm 2021: 22.6%, cao nhất trong 5 năm gần đây) cũng như hợp tác với các đối tác nước ngoài qua các khoản vay hợp vốn giúp gia tăng huy động nguồn giá rẻ từ thị trường vốn quốc tế nhằm cải thiện chi phí vốn của ngân hàng.

Bên cạnh đó, việc VPBank liên tục gia tăng vốn chủ sở hữu đã giúp ngân hàng này có được cơ sở vững chắc để duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn sắp tới. Theo đó, VPBank đã tích cực thực hiện chiến lược tăng vốn trong năm 2021, qua đó cải thiện chỉ số CAR (chỉ số an toàn vốn tối thiểu) để có thể đạt được hạn mức hoạt động cao từ NHNN. Cụ thể, tính đến cuối 2021, với việc hoàn thành thương vụ chuyển nhượng 49% vốn điều lệ FE Credit, quy mô vốn chủ sở hữu (VCSH) của VPBank đạt hơn 86,278 tỷ đồng tăng trưởng hơn 63% svck. Đây là mức tăng trưởng VCSH cao nhất toàn ngành, giúp tỷ lệ CAR của ngân hàng đạt 14.3%, đứng thứ 2 toàn ngành. Ngoài ra, trong năm 2022 VPBank có kế hoạch sẽ phát hành thêm khoảng 15% vốn cho đối tác chiến lược, đây được xem là cơ sở vững chắc đem lại hạn mức hoạt động cao cho ngân hàng, qua đó đảm bảo các kế hoạch về tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng kể cả trong bối cảnh lạm phát.

Không chỉ dẫn dầu về NIM và có kỳ vọng tăng trưởng hạn mức hoạt động hàng đầu, VPBank cũng là một trong những ngân hàng có nguồn thu ngoài lãi đa dạng, giúp ngân hàng giảm lệ thuộc vào nguồn thu từ lãi, qua đó có thể hạn chế tối đa các rủi ro liên quan đến tín dụng. Trong năm 2021, khi thu nhập từ lãi không có được mức tăng trưởng cao do mảng cho vay tiêu dùng bị ảnh hưởng thì chính các khoản thu nhập ngoài lãi như phí, thu từ thẻ, đầu tư chứng khoán cũng như xử lý nợ có sự tăng trưởng đột phá, giúp đảm bảo mức tăng trưởng TOI (tổng doanh thu hoạt động) cao của ngân hàng. Vừa qua, VPBank thông báo gia hạn Thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm với đối tác AIA thời hạn từ 15 năm theo dự định ban đầu thành 19 năm, từ đó tiếp tục củng cố nguồn thu dồi dào từ bancassurance trong các năm tiếp theo của ngân hàng.

Bên cạnh những giá trị cốt lõi nêu trên, VPBank còn cho thấy chiến lược kinh doanh linh hoạt, nhạy bén khi tiến hành mua lại công ty chứng khoán ASC, và đang có kế hoạch nâng vốn điều lệ của công ty này lên hơn 8,900 tỷ. Nếu được chấp thuận nâng vốn, đây sẽ là công ty chứng khoán có mức vốn điều lệ lớn thứ 3 toàn ngành, sau SSI và VNDirect. Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một năm 2021 vô cùng khởi sắc, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới với số lượng tài khoản mở mới và giá trị giao dịch đạt kỷ lục. Cùng với đó, quy mô thị trường kỳ vọng tiếp tục được mở rộng khi dư địa còn rất lớn. Điều này cho thấy tầm nhìn của ban lãnh đạo VPBank khi tham gia thị trường, như cách họ đã làm với FECredit và giúp công ty này thống lĩnh mảng cho vay tiêu dùng chỉ trong vài năm ngắn ngủi. Đây sẽ là bước đệm giúp ngân hàng mở rộng hệ sinh thái của mình dựa trên nền tảng số hoá của ngân hàng mẹ sang các lĩnh vực như quản lý tài sản, ngân hàng đầu tư và quan trọng hơn là nguồn thu từ tư vấn, phí giao dịch và cho vay ký quỹ sẽ là động lực mới cho chiến lược tăng trưởng 5 năm tiếp theo của ngân hàng.

Như vậy, áp lực lạm phát dù là rủi ro hệ thống đối với nền kinh tế - tài chính Việt Nam nhưng với những nỗ lực của NHNN kiểm soát chặt chẽ lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, những đợt tăng sốc kỳ vọng sẽ không diễn ra tuy nhiên tác động đến toàn ngành sẽ không tránh khỏi. Dù vậy, những ngân hàng đã xây dựng cho mình bộ đệm vững chắc từ hiệu quả hoạt động vượt trội với NIM cao, chi phí vốn được kiểm soát cùng nguồn vốn dồi dào hay đa dạng hóa nguồn thu ngoài lãi và quan trọng nhất là sự nhạy bén, linh hoạt trong kinh doanh như VPBank sẽ có cơ sở tối thiểu hóa tác động bất lợi từ rủi ro hệ thống và đạt được tăng trưởng cao trong trung và dài hạn.

Chuyên đề