Cần giải quyết tranh chấp hợp đồng nhanh chóng, hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp (DN) thường phải giao kết nhiều loại hợp đồng, từ vay ngân hàng, đơn hàng, cung ứng dịch vụ, thuê mướn mặt bằng, lao động…, nên luôn phải đối diện với nguy cơ đối tác vi phạm, không thực hiện hợp đồng. Do đó, DN rất cần đến tòa án, cơ quan thi hành án để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình khi có tranh chấp hợp đồng.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Nếu những cơ quan này giúp cho việc thực thi hợp đồng công bằng, nhanh chóng, hiệu quả sẽ tạo thuận lợi cho việc sản xuất, kinh doanh, bảo đảm quyền, lợi ích và nghĩa vụ của DN. Ngược lại, nếu việc giải quyết tranh chấp không nhanh chóng, hiệu quả thì các chủ thể sẽ không tôn trọng hợp đồng, khiến hoạt động kinh doanh rủi ro, tốn kém và hiệu quả thấp hơn.

Qua khảo sát, đa số DN hiện gặp khó khăn về tiếp cận vốn. Cụ thể, 95 - 96% DN cho biết, muốn vay vốn ngân hàng thì phải có tài sản thế chấp; vay tín chấp thì số tiền vay được rất nhỏ, thời gian ngắn và lãi suất cao hơn. Trong khi đó, ở các nước khác thì đa số là vay tín chấp do ngân hàng có thể dễ dàng khởi kiện khi người vay không trả được nợ và bản án được thi hành nhanh chóng, lợi ích của bên cho vay được bảo đảm.

Lịch sử thế giới cho thấy, quốc gia nào có hệ thống tòa án, thi hành án tin cậy trong giải quyết tranh chấp hợp đồng thì có nền kinh tế phát triển hơn. Trong khi đó, ở Việt Nam, cộng đồng DN vẫn chưa thực sự hài lòng với phán quyết của tòa án hay việc thi hành án. Theo báo cáo của ngành thi hành án dân sự, tỷ lệ thi hành án thành công tại Việt Nam trong năm 2023 là 83% tổng số vụ việc, 47% về tiền, còn thấp so với kỳ vọng của DN.

Do đó, để thúc đẩy việc giải quyết tranh chấp hợp đồng nhanh chóng, hiệu quả từ đó tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, theo chúng tôi, cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Chuyên đề