VN-Index tiếp tục thể hiện nhịp đảo chiều thành công. |
Kịch bản giao dịch hôm qua đã lặp lại, dù thanh khoản không mạnh thêm so với buổi sáng, nhưng cổ phiếu lại đảo chiều thành công trên diện rộng. VN-Index chốt ngày tăng tiếp 8,14 điểm, xác lập phiên tăng thứ 3 liên tiếp. Chiều nay nhóm cổ phiếu thép và vật liệu xây dựng giao dịch nổi bật. Khối ngoại dốc tiền mua rất mạnh trên HoSE, nhắm vào các blue-chips.
Đáng chú ý nhất dĩ nhiên là HPG, cổ phiếu vừa có đặc tính siêu thanh khoản, vừa có ảnh hưởng vốn hóa lớn. HPG buổi sáng tăng chậm, chỉ trên tham chiếu 0,87%, nhưng đã bùng nổ nhờ thu hút dòng tiền cực tốt.
HPG đột ngột mạnh lên ngay khi thị trường mở cửa trở lại. Trong 25 phút đầu phiên chiều, giá tăng vọt 3,25%. Bất chấp lực bán có xuất hiện, HPG vẫn hút được dòng tiền mua tạo thanh khoản rất cao và đóng cửa giá vẫn tăng 3,71% so với tham chiếu.
Riêng chiều nay HPG giao dịch tới 978,9 tỷ đồng, đẩy thanh khoản cả ngày lên 1.375,6 tỷ đồng với gần 58,85 triệu cổ phiếu được sang tay. Đây là mức thanh khoản tốt nhất kể từ đầu tháng 3/2022. Lực cầu từ khối ngoại là điểm nổ cho giá HPG: Buổi sáng khối này mới mua ròng 40,8 tỷ đồng, kết phiên tăng vọt lên 174,2 tỷ đồng. Dĩ nhiên với mức thanh khoản quá lớn thường thấy ở mã này thì quy mô mua từ tài khoản ngoại chưa “thấm”, chỉ chiếm 13,4% tổng giao dịch, nhưng đó cũng là tín hiệu khác thường.
Hôm nay cũng là phiên thứ hai kể từ đầu tuần HPG tăng giá bùng nổ. Phiên khởi động ngày 1/8 HPG đã tăng 6,05%. Như vậy chỉ 3 ngày cổ phiếu này đã tăng 10,47% so với tuần trước. HPG loanh quanh vùng đáy tới gần 30 phiên, mới xuất hiện hai ngày bùng nổ như vậy.
Cả nhóm cổ phiếu thép cũng tăng mạnh, thậm chí những cổ nhỏ hơn còn tăng sớm hơn HPG. Cụ thể, HSG đến cuối phiên sáng đã tăng 5,19% và chiều nay kịch trần sau12 phút đầu tiên. NKG cuối phiên sáng tăng 3,62% và cũng lên trần sau 18 phút đầu tiên buổi chiều. Đóng cửa NKG vẫn tăng kịch trần.
Không chỉ riêng cổ phiếu thép, nhóm cổ phiếu vật liệu nói chung cũng tăng rất tốt. Chỉ số VNMAT đại diện nhóm này trên HoSE có 53 cổ phiếu thì 35 mã tăng (3 mã trần) và 12 mã giảm, chỉ số tăng 3,22%. Trên khắp các sàn, hàng chục mã cùng ngành này đóng cửa ở giá trần...
Trong Top 10 cổ phiếu thanh khoản cao nhất toàn thị trường hôm nay thì có mặt HPG, NKG và HSG, trong đó HPG dẫn đầu.
Nhiều cổ phiếu lớn vẫn giảm, có tác dụng tốt trong việc kiềm chế đà tăng ở chỉ số VN-Index. |
Hiện tượng đảo chiều giá khá mạnh trong phiên chiều nay gợi nhớ đến kịch bản hôm qua, khi dòng tiền phản công thắng lợi. Dễ thấy nhất là độ rộng: HoSE cuối phiên sáng có 197 mã tăng/217 mã giảm, đến hết phiên đã là 269 mã tăng/182 mã giảm. Nhóm VN30 đảo chiều cũng khá tốt, khi có được 14 mã tăng/13 mã giảm.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán và bất động sản cũng đều đảo chiều thành công, nhưng không nóng như trước. VND, SSI và VCI cũng thuộc Top 10 thanh khoản thị trường, với mức tăng giá cao, tương ứng 1,93%, 1,51% và 3,04%. HAG, DXG cũng có thanh khoản nổi bật trong nhóm bất động sản và giá tăng tốt.
Điều khá bất ngờ là các chỉ số quan trọng tăng không nhiều: VN-Index đóng cửa trên tham chiếu 0,66%, VN30-Index tăng 0,3%, trong khi Smallcap tăng 1,13%, Midcap tăng 1,1%. Nguyên nhân là các cổ phiếu lớn đang điều tiết đà đi lên của chỉ số: VIC giảm 0,9%, VHM giảm 0,96%, TCB giảm 0,39%, GVR giảm 0,4%. Mức giảm không quá nhiều, nhưng đủ để “tránh” cho VN-Index đi lên quá nhanh, dễ tiến tới ngưỡng kháng cự kỹ thuật.
Chiều nay thanh khoản cũng chỉ “bình bình”, HoSE khớp thêm 7.114 tỷ đồng, giảm gần 13% so với buổi sáng. Tuy có tăng 21% so với chiều phiên trước, nhưng đây cũng chưa phải là giao dịch cường độ lớn. Tuy nhiên cũng giống hôm qua, lực cầu trung bình này vẫn thay đổi được cục diện thị trường một cách dễ dàng, đồng nghĩa với lực bán đã suy yếu.
Khối ngoại chiều nay giải ngân thêm tới 1.060 tỷ đồng nữa trên sàn HoSE, nâng tổng mức mua cả ngày lên 1.627,4 tỷ đồng. Mức ròng đạt 655,9 tỷ. Ngoài HPG đột biến, VCB cũng được mua ròng tới 112 tỷ dồng, SSI gần 106,6 tỷ, STB tới 96,6 tỷ. Nhóm CTG, VHC, VRE, BID, VHM, SAB, GAS, VIC, DXG đều được mua ròng rất tốt. Tính ra riêng cổ phiếu trong VN30 được khối ngoại mua ròng tới 710,7 tỷ đồng.