Dù lợi nhuận trước thuế năm 2017 tăng trưởng 728% nhưng Vinapaco vẫn ngập trong nợ nần. Ảnh: Lê Tiên |
Rủi ro thanh toán các khoản nợ ngắn hạn
Tại thời điểm cuối năm 2017, tổng nợ phải trả của Vinapaco là 4.330 tỷ đồng, gấp 3 lần vốn chủ sở hữu. Trong cơ cấu nợ phải trả, tổng nợ vay (bao gồm nợ vay ngắn và dài hạn) chiếm tỷ trọng lớn nhất, với 86%. Cụ thể, tổng nợ vay là 3.742 tỷ đồng, tăng thêm 142 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Con số này gấp 2,7 lần vốn chủ sở hữu và bằng 65% tổng tài sản.
Đáng chú ý là nợ ngắn hạn của Vinapaco vẫn lớn hơn tổng tài sản ngắn hạn. Tại thời điểm 31/12/2017, tài sản ngắn hạn của Vinapaco đạt 1.478 tỷ đồng, nhỏ hơn nợ ngắn hạn 102 tỷ đồng. Cơ cấu tài sản ngắn hạn cũng cho thấy nhiều lo ngại khi hàng tồn kho luôn chiếm tỷ trọng lớn. Cụ thể, giá trị hàng tồn kho cuối năm 2017 đạt 978 tỷ đồng, chiếm 66% giá trị tài sản ngắn hạn; khoản mục tiền chỉ còn 95,6 tỷ đồng, chiếm 6,5%. Điều này cho thấy nhiều rủi ro trong việc không trả được các khoản nợ khi đáo hạn.
Phần thuyết minh vay và nợ thuê tài chính của Vinapaco cũng cho biết, trong số 1.128 tỷ đồng vay ngắn hạn thì giá trị có khả năng trả nợ là 573,3 tỷ đồng. Hơn nữa, Tổng công ty cũng cho biết thêm: “Ngoại trừ tiền vay Ngân hàng Societe Generale (SG) phải trả nợ đúng hạn bằng nguồn vay Bộ Tài chính, Vinapaco chưa xác định được khả năng trả nợ cho các khoản tiền vay ngân hàng và Bộ Tài chính tại ngày kết thúc kỳ kế toán năm 2017. Khả năng trả nợ phụ thuộc đáng kể vào kết quả cổ phần hóa Tổng công ty”.
Về kết quả kinh doanh, doanh thu thuần bán hàng và lợi nhuận gộp năm 2017 đạt lần lượt 2.226 tỷ đồng và 432 tỷ đồng, giảm tương ứng 8% và 16,5% so với năm 2016. Mặc dù doanh thu bán hàng giảm, nhưng năm 2017, Vinapaco lại tiết giảm được chi phí hoạt động. Cụ thể, chi phí bán hàng giảm 22% xuống còn 106 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 19% xuống còn 244 tỷ đồng. Điều này đã giúp cho lợi nhuận trước thuế năm 2017 của Tổng công ty tăng trưởng 728% so với năm 2016, đạt 127,6 tỷ đồng.
Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam cản bước cổ phần hóa?
Trong dự kiến tình hình thực hiện sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp được Tổng giám đốc Vinapaco ký duyệt vào ngày 30/3, công tác cổ phần hóa Tổng công ty vẫn chỉ dừng lại ở việc có Quyết định công bố giá trị doanh nghiệp và tiếp tục dự kiến cổ phần hóa từ 50% vốn điều lệ trở lên trong năm tiếp theo.
Được biết, kế hoạch cổ phần hóa của Vinapaco đã đặt ra từ lâu và dự kiến hoàn thành vào năm 2015, song đến nay vẫn “giậm chân tại chỗ” do gặp vướng mắc tại Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam. Đây là một trong những dự án thua lỗ nghiêm trọng thuộc ngành công thương, đang thuộc diện "ưu tiên xử lý" của Chính phủ. Hiện tại, Vinapaco được Bộ Tài chính cho phép sử dụng vốn vay từ Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài để thanh toán nợ gốc và lãi vay cho Ngân hàng SG, không tính lãi đối với các khoản vay này và cho phép chưa phải nộp phí bảo lãnh cho đến khi Dự án đi vào hoạt động và có lãi. Tổng nợ vay cho việc đầu tư Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam đến cuối năm 2017 là hơn 2.100 tỷ đồng.
Sau khoảng 3 lần gia hạn bán đấu giá và giảm giá, đến nay, Dự án này vẫn chưa có người mua, việc giải quyết tồn tại ở Dự án vẫn chưa có tiến triển mới. Lần đấu giá gần đây nhất là vào tháng 7/2017 với mức giá khởi điểm là 1.885 tỷ đồng cho toàn bộ tài sản cố định và hàng hóa tồn kho không có nhu cầu sử dụng gắn liền với quyền sử dụng đất thuê trên tổng diện tích 453.755 m2 tại ấp Bà Luông, xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An. Tuy nhiên, phiên đấu giá này đã không thành công do có duy nhất 1 nhà đầu tư tới tham gia và đấu giá với mức thấp hơn nhiều lần so với giá khởi điểm. Dự kiến, trong năm 2018, Vinapaco sẽ tiếp tục thực hiện bán đấu giá nhà máy này.