Cán bộ của Vinafood 1 cho biết chỉ gửi kết quả lựa chọn nhà thầu cho các nhà thầu mà chưa đăng tải công khai loại thông tin này. Ảnh: Lê Tiên |
Dù Vinafood 1 khẳng định đã yêu cầu các phòng, ban chức năng nghiên cứu, cập nhật các quy định của pháp luật về đấu thầu để áp dụng vào việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng tại đơn vị.
Vinafood 1 cho biết, trong năm 2016, Tổng công ty đã tổ chức lựa chọn nhà thầu 36 gói thầu, tổng giá gói thầu là 23,966 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu là 23,210 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu là 757 triệu đồng. Các gói thầu này chủ yếu thuộc các dự án cải tạo, nâng cấp và sửa chữa nhỏ các cơ sở vật chất như kho tàng, thiết bị, dây chuyền chế biến gạo phục vụ sản xuất kinh doanh của Tổng công ty.
Trong số 36 gói thầu nêu trên, có 20 gói thầu tư vấn, 11 gói thầu mua sắm hàng hóa, 5 gói thầu xây lắp. Số gói thầu này được lựa chọn nhà thầu chủ yếu theo hình thức chỉ định thầu (25 gói thầu với tổng giá gói thầu là 5,256 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu là 4,661 tỷ đồng), chào hàng cạnh tranh (11 gói thầu với tổng giá gói thầu là 18,710 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu là 18,548 tỷ đồng). “Sở dĩ các gói thầu được lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu là do các gói thầu nhỏ, nằm trong hạn mức chỉ định thầu”, một nguồn tin từ Vinafood 1 chia sẻ với Báo Đấu thầu.
Theo Báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu năm 2016 vừa được Tổng công ty gửi cơ quan chức năng, Vinafood 1 đã yêu cầu các phòng, ban chức năng nghiên cứu, cập nhật các văn bản để áp dụng vào việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng. Để quán triệt thực hiện Luật Đấu thầu năm 2013 và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và các thông tư hướng dẫn, Hội đồng thành viên Tổng công ty đã ban hành Quy chế phân cấp quyết định đầu tư và quản lý dự án đầu tư của Tổng công ty tại Quyết định số 290/QĐ-TCTLTMB-HĐTV ngày 15/9/2014. Tổng công ty đã cho các cán bộ chuyên môn về đầu tư xây dựng tham gia khóa học đấu thầu cơ bản, đấu thầu qua mạng.
Mặc dù vậy, theo thống kê sơ bộ của Báo Đấu thầu thì trong số 36 gói thầu mà Vinafood 1 lựa chọn nhà thầu trong năm 2016 thì đến nay có rất ít gói thầu được công bố KQLCNT.
Một cán bộ thuộc Ban Kế hoạch và Quản lý đầu tư vốn thuộc Vinafood 1 thông tin, khi có quyết định phê duyệt, KQLCNT được gửi trực tiếp cho nhà thầu.
Vinafood 1 là doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt được thành lập theo Quyết định số 312/QĐ-TTg ngày 24/5/1995 của Thủ tướng Chính phủ. Tổng công ty có nhiệm vụ quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh các mặt hàng lương thực, nông sản và chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Ngày 25/9/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1544/QĐ-TTg về việc chuyển Tổng công ty Lương thực miền Bắc sang hoạt động theo hình thức công ty mẹ - công ty con. Tiếp đó, năm 2010, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 982/QĐ-TTg chuyển Công ty mẹ - Tổng công ty Lương thực miền Bắc thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Đến nay, Vinafood 1 có 28 đơn vị thành viên hạch toán độc lập đã được cổ phần hóa là các công ty con; 07 công ty liên kết và 03 công ty liên doanh với nước ngoài (Malaysia, Singapore, Iraq).
Báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2015, Vinafood 1 công bố lợi nhuận sau thuế là 166,790 tỷ đồng (năm 2014 là 221,519 tỷ đồng).
Theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020, Vinafood 1 thuộc diện cổ phần hóa, Nhà nước chỉ sở hữu từ trên 50% đến 65%. Dự kiến Công ty sẽ cổ phần hóa trong năm 2017.