Việt Nam tự tin trong cuộc chơi toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đến nay, Việt Nam đã ký kết và tham gia 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 2 FTA thế hệ mới, mở rộng quan hệ thương mại với trên 230 thị trường. Trò chuyện với Báo Đấu thầu nhân dịp Xuân Tân Sửu 2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: “Điều rất mừng là với hệ thống các FTA đã ký kết và thực hiện, vị thế và hình ảnh của Việt Nam đã thay đổi, đóng vai trò dẫn dắt quá trình hội nhập trên bản đồ thương mại cũng như chính trị quốc tế”.
Cơ hội từ các FTA được khai thác hiệu quả để gia tăng năng lực xuất khẩu nhanh, mạnh mẽ, có yếu tố bền vững. Ảnh: Nguyễn Trí
Cơ hội từ các FTA được khai thác hiệu quả để gia tăng năng lực xuất khẩu nhanh, mạnh mẽ, có yếu tố bền vững. Ảnh: Nguyễn Trí

Thưa ông, giai đoạn 2016 - 2020 được đánh giá là nhiệm kỳ “bội thu” các FTA, đặc biệt là năm 2020. Chưa bao giờ trong vòng 1 năm, Việt Nam tham gia 3 FTA, mở ra thị trường rộng lớn chưa từng có. Những FTA này đã hỗ trợ như thế nào cho sự tăng trưởng, phát triển của kinh tế Việt Nam?

Có một bối cảnh rất mới với Việt Nam khi thực thi chiến lược hội nhập, đó là Việt Nam đã thay đổi vai trò từ nước chịu sức ép mở cửa hội nhập thành chủ động và dẫn dắt trong các khung khổ hội nhập song phương và đa phương. Quá trình thực hiện các FTA này đã đi vào thực chất, lan tỏa tới từng lĩnh vực của nền kinh tế cũng như đời sống của người dân.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Sự tham gia chủ động của Việt Nam trong vai trò dẫn dắt các khung khổ hội nhập khu vực và toàn cầu đã củng cố vị trí của nước ta. Thế và lực của đất nước đã thay đổi. Việt Nam không chỉ có tốc độ tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế ngày càng cao mà còn có thế đứng được đánh giá là bền vững, mạnh mẽ trong các liên kết khu vực và quốc tế.

Năng lực của nền kinh tế cả về khía cạnh sản xuất và xuất nhập khẩu (XNK) đã có sự cải thiện đáng kể. Cơ hội từ các FTA đã được khai thác hiệu quả để gia tăng năng lực xuất khẩu (XK) nhanh, mạnh mẽ, có yếu tố bền vững.

Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam trở thành quốc gia XK đứng thứ 22 thế giới, tỷ trọng XNK đứng thứ 26 thế giới, tốc độ tăng trưởng XK trong thập kỷ vừa qua thường xuyên ở mức 8 - 10%. Các con số này khẳng định, chúng ta đã khai thác tốt cơ hội thị trường. Giá trị tuyệt đối thương mại quốc tế gia tăng qua từng năm. Cơ hội tái cơ cấu nền kinh tế hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cũng được đẩy mạnh, không chỉ ở những ngành kinh tế trực tiếp sản xuất vật chất như công nghiệp, nông nghiệp… mà còn cả trong các ngành dịch vụ cũng như các hạ tầng quan trọng của đất nước.

Về thị trường, đến nay, tất cả các thị trường trọng điểm đã được củng cố và khai thác với 15/20 thành viên của G20 có FTA với Việt Nam. Tất cả các thị trường trọng yếu của Việt Nam đều có sự tăng trưởng bền vững không chỉ ở tốc độ mà còn trong cơ cấu mặt hàng cũng như thị phần, thương hiệu… Điều đó có được là nhờ cam kết ưu đãi được thụ hưởng trong các FTA.

Ở góc độ doanh nghiệp (DN), năng lực cạnh tranh của cộng đồng DN Việt Nam được tăng cường không chỉ thông qua hưởng lợi từ FTA mà cả về công nghệ, nguồn nhân lực, từ cải cách, hoàn thiện thể chế xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi cho DN. Có thể nói, chưa bao giờ những nội dung cải cách lại mạnh mẽ như hiện nay, trong bối cảnh thực thi các FTA với yêu cầu rất cao.

Đây là niềm tin của chúng ta trong thế chủ động để xây dựng nền kinh tế tự cường trên cơ sở chiến lược đa phương hóa về kinh tế và thương mại.

Dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, XK của Việt Nam vẫn tăng trưởng ấn tượng. Theo Bộ trưởng, các FTA đã hỗ trợ như thế nào cho hoạt động XK?

Năm 2020, đại dịch Covid-19 lây lan mạnh trên toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động giao thương quốc tế, khiến phần lớn các quốc gia XK trên thế giới có tăng trưởng âm. Trong bối cảnh khó khăn như vậy, Việt Nam và một số ít quốc gia có tăng trưởng dương. Kim ngạch XK năm 2020 ước đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019. Xuất siêu kỷ lục trên 19 tỷ USD.

Đến nay, tất cả các thị trường trọng điểm được củng cố và khai thác với 15/20 thành viên của G20 có FTA với Việt Nam. Tất cả các thị trường trọng yếu của Việt Nam đều có sự tăng trưởng bền vững không chỉ ở tốc độ mà còn trong cơ cấu mặt hàng cũng như thị phần, thương hiệu… Điều đó có được là nhờ cam kết ưu đãi được thụ hưởng trong các FTA.

Năng lực cạnh tranh của cộng đồng DN Việt Nam được tăng cường không chỉ thông qua hưởng lợi từ FTA mà cả về công nghệ, nguồn nhân lực, từ cải cách, hoàn thiện thể chế xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi cho DN. Có thể nói, chưa bao giờ những nội dung cải cách lại mạnh mẽ như hiện nay, trong bối cảnh thực thi các FTA với yêu cầu rất cao.

Trong năm qua, một loạt các ngành hàng thế mạnh của Việt Nam như điện tử, đồ gỗ, dệt may… phải hứng chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Song với những nỗ lực bền bỉ, năm 2020 vẫn có 31 mặt hàng có giá trị XK trên 1 tỷ USD, 5 mặt hàng trên 10 tỷ USD và 1 mặt hàng trên 60 tỷ USD.

Thị trường XNK được mở rộng, khai thác được các thị trường mới có yêu cầu khắt khe về chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Điển hình là bước đầu khai thác có hiệu quả thị trường EU ngay sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực vào ngày 1/8/2020. Sau 3 quý đầu năm XK sang thị trường EU giảm sút do ảnh hưởng của dịch bệnh, tính từ thời điểm EVFTA có hiệu lực, XK của Việt Nam sang EU tăng cao. Hàng loạt mặt hàng XK trọng yếu như gạo, thủy sản tăng trưởng đột biến, nhất là mặt hàng tôm (XK tháng 9/2020 tăng 35% so với cùng kỳ năm trước).

Số liệu vừa được cập nhật cũng cho thấy, tính từ ngày EVFTA có hiệu lực đến ngày 18/12/2020, các tổ chức đã ủy quyền cấp gần 62.500 bộ chứng nhận xuất xứ (C/O) để hưởng ưu đãi tại thị trường EU với kim ngạch 2,35 tỷ USD. Các mặt hàng đã được cấp C/O chủ yếu là giầy dép, thủy sản, nhựa, hàng dệt may… Điều này cho thấy hiệu quả khai thác lợi ích ngay sau khi Hiệp định được thực thi là rất tốt.

Kể từ khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, kim ngạch XK sang thị trường các nước thành viên đạt mức tăng trưởng tích cực. Năm 2020, XK sang Canada đạt 4,35 tỷ USD, tăng 11,9% so với năm 2019; XK sang Mexico đạt 3,17 tỷ USD, tăng 12,2%...

Phải nói rằng, các FTA thế hệ mới cùng các FTA cũ là những nền tảng rất vững chắc để Việt Nam vượt qua tác động tiêu cực của Covid-19 trong năm 2020.

Thị trường xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam được mở rộng, khai thác các thị trường mới có yêu cầu khắt khe về chất lượng hàng hóa nhập khẩu

Thị trường xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam được mở rộng, khai thác các thị trường mới có yêu cầu khắt khe về chất lượng hàng hóa nhập khẩu

Nhìn ở góc độ thu hút đầu tư thì sao, thưa ông?

Dưới tác động của Covid-19 cũng như những tác động của bảo hộ mậu dịch và cạnh tranh địa chính trị, hiện xu thế cơ cấu lại chuỗi cung ứng và hoạt động đầu tư của các tập đoàn kinh tế quốc tế diễn ra khá mạnh mẽ. Nhiều tập đoàn kinh tế đã dịch chuyển đầu tư, tìm kiếm thị trường mới để giảm thiểu đứt gãy chuỗi cung ứng. Việt Nam đang có vị thế, lợi thế để đón các dòng đầu tư dịch chuyển, xây dựng vị trí trên bản đồ các chuỗi cung ứng toàn cầu. Chúng ta có điều kiện tham gia và tham gia bền vững. Đó là sự thay đổi, sự chuyển mình rất kịp thời của đất nước dựa trên nền tảng hội nhập quốc tế…

Với thế và lực được củng cố như vậy, ông nhận định thế nào về triển vọng xuất khẩu năm 2021 cũng như thời gian tới?

Năm 2021, bối cảnh thế giới đang có những chuyển biến lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, đặc biệt là xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn và dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, tôi cho rằng, xu thế hòa bình, ổn định vẫn là dòng chảy chính. Câu chuyện toàn cầu hóa, tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại vẫn là mong muốn, nguyện vọng của đa số các quốc gia, nền kinh tế cũng như DN và người dân toàn thế giới.

Do đó, năm 2021 và những năm tiếp theo, dù còn nhiều khó khăn, song về cơ bản, Việt Nam sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển tăng tốc, kể cả XNK thông qua cơ hội từ các FTA đã và sẽ ký kết cùng những chính sách đúng đắn của Đảng, Chính phủ trong tất cả các khía cạnh từ tái cơ cấu kinh tế, an sinh xã hội, cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện về cơ chế pháp luật…

Để khai thác cơ hội do các FTA mang lại, năm 2021 cũng như những năm tới, cần tập trung thực hiện tốt những việc sau: Tiếp tục tổ chức hướng dẫn pháp luật về FTA cho DN, người dân; nội luật hóa các nội dung và xây dựng được hệ thống văn bản hướng dẫn kịp thời cho DN. Trong quá trình sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp quy hiện hành cần đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả, duy trì ổn định môi trường đầu tư kinh doanh, không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến lợi ích của các DN đang hoạt động cũng như các nhà đầu tư mới. Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trong quá trình hội nhập.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế; thực hiện tốt các chính sách xã hội, đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau, không bị tác động xấu của hội nhập và hướng đến phát triển bền vững… Thực hiện tốt tất cả các yếu tố này sẽ mang lại động lực mới cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Chuyên đề