“Điều đáng ghi nhận nhất là chính sách đấu thầu của Việt Nam đã và đang làm tốt trong việc tạo động lực để phát triển bền vững về mặt xã hội. Cụ thể, chính sách đấu thầu đã có những ưu đãi rõ ràng, dễ áp dụng khi dự thầu cho các đối tượng như: nhà thầu là doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ, nhà thầu có từ 25% trở lên số lượng lao động là nữ giới và nhà thầu có từ 25% trở lên số lượng lao động là thương binh, người khuyết tật. Đây là động lực để giảm đói nghèo và tạo việc làm. Đồng thời, trao quyền cho nhóm đang chịu rủi ro trong quá trình mua sắm công”, bà Nguyễn Thị Bích Hòa, Phó Giám đốc AIT-VN đánh giá.
Theo đánh giá của các chuyên gia, qua thông tư hướng dẫn cũng như các mẫu hồ sơ mời thầu được công bố, các tiêu chí về nâng cao chất lượng hàng hóa, thân thiện với môi trường cũng được giao quyền chủ động cho chủ đầu tư/bên mời thầu. Mua sắm công bền vững tuân thủ những yếu tố chính của mua sắm công truyền thống như minh bạch, công bằng, không phân biệt đối xử, cạnh tranh và sử dụng hiệu quả ngân sách công.