Công ty CP Công trình giao thông Sài Gòn từng trúng thầu gói thầu gần 120 tỷ đồng tại công trình cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương (TP.HCM) |
Câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao các nhà thầu biết trượt mà vẫn “đi thi”? Động cơ tham dự thầu của những nhà thầu này là gì?
Tham dự gói thầu ngoài “tầm với”
Có một sự trùng hợp đáng quan tâm ở không ít gói thầu lớn là 2 trong số 3 nhà thầu tham gia có năng lực rất hạn chế so với yêu cầu của gói thầu. Đơn cử, tại Gói thầu số 07 Thi công xây lắp và lắp đặt thiết bị thuộc Dự án Xây dựng Khu tái định cư số 1, 2, xóm Trung Tâm, xã Phúc Xuân, TP. Thái Nguyên do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Thái Nguyên làm bên mời thầu, có 3 nhà thầu tham dự thầu thì 2 nhà thầu bị loại ở bước đánh giá về năng lực và kinh nghiệm. Theo đó, cả Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Hữu Huệ và Công ty CP Xây dựng giao thông II Thái Nguyên đều không có hợp đồng tương tự (có giá trị từ 45 tỷ đồng trở lên) với gói thầu đang xét; doanh thu bình quân hàng năm từ hoạt động xây dựng của nhà thầu đều nhỏ hơn rất nhiều so với yêu cầu của HSMT.
Gói thầu số 07 có giá gói thầu hơn 67 tỷ đồng, trong khi Công ty CP Xây dựng giao thông II Thái Nguyên có doanh thu bình quân hàng năm từ hoạt động xây dựng đạt hơn 31 tỷ đồng (HSMT yêu cầu phải đạt 100 tỷ đồng trở lên). Trong HSDT, nhà thầu này không có xác nhận của cơ quan quản lý thuế về việc đã hoàn thành nghĩa vụ nộp các loại thuế, phí đến thời điểm dự thầu; không có các tài liệu chứng minh về nguồn lực tài chính để thực hiện gói thầu…
Quá trình tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu cũng cho thấy, trong vòng 3 năm trở lại đây, Công ty CP Xây dựng giao thông II Thái Nguyên chỉ được công khai trúng 4 gói thầu (3 gói thầu độc lập và 1 gói thầu liên danh), cả 4 gói thầu này đều có giá trúng thầu nhỏ hơn 12 tỷ đồng. Như vậy, việc tham gia nộp HSDT gói thầu có quy mô hơn 67 tỷ đồng là “quá sức” đối với công ty này.
Và những lý do trượt thầu “sơ đẳng”
Tại Gói thầu Mua sắm trang phục kiểm lâm năm 2018 cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La, HSDT của Công ty CP Trung Hiếu (có địa chỉ tại số 131B/66 Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội) không có bảo đảm dự thầu. Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La, HSDT của Công ty không đáp ứng cơ bản các yêu cầu của HSMT; bỏ sót nhiều nội dung, thiếu bản chụp hồ sơ đề xuất kỹ thuật… Và chả nhẽ nhà thầu này lại không biết thiếu bảo đảm dự thầu thì chắc chắn HSDT sẽ bị loại?!
Một ví dụ khác là Công ty CP Công trình giao thông Sài Gòn - một nhà thầu khá tên tuổi ở TP.HCM với thành tích được công khai trúng gần 100 gói thầu trong vòng 3 năm trở lại đây (các gói thầu chủ yếu nằm trên địa bàn TP.HCM). Nhà thầu này đã và đang thi công nhiều công trình lớn, nhỏ khác nhau, có những công trình có quy mô hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, tại Gói thầu Xây dựng công trình thuộc Dự án Nâng cấp, mở rộng đường Kinh Trung Ương xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM, nhà thầu này đã bị loại vì không đáp ứng yêu cầu về nguồn lực tài chính (công trình có quy mô 50 tỷ đồng). Cụ thể, trong HSDT, nhà thầu này không nộp văn bản cam kết tín dụng của tổ chức tín dụng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, trong đó cam kết sau khi nhà thầu trúng thầu sẽ cung cấp tín dụng cho nhà thầu để thực hiện gói thầu đang xét với hạn mức là 8,2 tỷ đồng trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng.
Theo một chuyên gia ngành xây dựng, tất cả nhà thầu “chuyên nghiệp” đều hiểu rằng, việc nhà thầu không nộp văn bản cam kết tín dụng của tổ chức tín dụng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam sẽ gây rủi ro, bất lợi cho các chủ đầu tư nếu nhà thầu trúng thầu nhưng không huy động được vốn để thực hiện công trình đảm bảo tiến độ, gây nguy cơ chậm tiến độ thi công… Vì vậy, khi HSMT đưa ra yêu cầu này mà nhà thầu không đáp ứng thì sẽ bị loại là điều đương nhiên.
Bên cạnh đó, HSDT của Công ty CP Công trình giao thông Sài Gòn tại gói thầu nêu trên không có tài liệu chứng minh nhân sự chủ chốt có chứng chỉ hành nghề giám sát công tác xây dựng công trình giao thông hoặc đường bộ hạng III trở lên hoặc chứng chỉ hành nghề an toàn lao động hạng III trở lên; số lượng công nhân kỹ thuật Nhà thầu đề xuất không đáp ứng yêu cầu của HSMT; thiết bị thi công chủ yếu dự kiến huy động để thực hiện gói thầu không đáp ứng yêu cầu của HSMT… Theo nhận định của một số chuyên gia về đấu thầu thì đó là những lý do trượt thầu “khó hiểu” của một nhà thầu có nhiều thành tích trúng thầu như Công ty CP Công trình giao thông Sài Gòn.
TS. Nguyễn Việt Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) cho rằng, pháp luật về đấu thầu không hạn chế sự tham gia của các nhà thầu. Tuy nhiên, trên thực tế, khi nhà thầu tham gia đấu thầu những gói thầu “quá sức” với mình, cơ hội trúng thầu gần như bằng 0 hoặc nhà thầu trượt thầu vì những lý do “sơ đẳng” thì dư luận hoàn toàn có quyền nghi ngờ về động cơ dự thầu không trong sáng của nhà thầu.