Ngân hàng Nhà nước cho biết giảm lãi suất là để hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh: PV. |
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Đức Long, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước về mục tiêu của quyết định hạ lãi suất điều hành và lãi suất cho vay vừa được ban hành ngày 7/7 và có hiệu lực từ ngày hôm nay (10/7).
Ông Long cho biết, trong 6 tháng đầu năm, việc điều hành để giữ ổn định mặt bằng lãi suất gặp khó khăn. Bởi lạm phát cuối năm ngoái, đầu năm nay ở mức cao, tín dụng tăng nhanh, trái phiếu Chính phủ tiếp tục phát hành với khối lượng lớn, kỳ hạn dài hơn, Cục dự trữ Liên bang Mỹ - Fed lại tăng lãi suất 2 lần.
Diễn biến thực tế cho thấy có thời điểm một số ngân hàng đã tăng lãi suất huy động chủ yếu là kỳ hạn trên 12 tháng, Ngân hàng Nhà nước đã tập trung điều tiết thanh khoản hệ thống hợp lý để hỗ trợ. Đồng thời, cơ quan này triển khai họp với các ngân hàng có thị phần lớn nắm tình hình và yêu cầu các đơn vị thực hiện đồng bộ các giải pháp giữ ổn định mặt bằng lãi suất.
Kết quả, mặc dù chịu áp lực tăng nhưng mặt bằng lãi suất vẫn được giữ ổn định. Đến thời điểm hiện nay, trên cơ sở đánh giá diễn biến lạm phát có chiều hướng tăng chậm và dự báo năm 2017 có khả năng kiểm soát theo mục tiêu 4% mà Quốc hội giao. Cùng với đó, thanh khoản của các ngân hàng có diễn biến tích cực nên để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, ông Long cho biết Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh giảm 0,5% một năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Đồng thời, để hỗ trợ giảm lãi suất cho vay, cơ quan này cũng có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động các biện pháp để đảm bảo thanh khoản, thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí... Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm 0,25% một năm các mức lãi suất điều hành, qua đó hỗ trợ cho các nhà băng giảm chi phí tiếp cận vốn vay từ Ngân hàng Nhà nước khi có nhu cầu.
Động thái giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước được xem là bước nối tiếp thông điệp yêu cầu giảm lãi suất của Thủ tướng. Theo đó, tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2017 và Chính phủ họp trực tuyến với các địa phương trong cả nước mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng tiếp tục chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực và chỉ rõ, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm còn rất nặng nề.
Để cả năm đạt mức tăng trưởng 6,7% thì 6 tháng cuối năm phải tăng trên 7,4%, đây là con số rất cao, là khó khăn, thách thức nhưng có cơ sở để đạt được. Thủ tướng đã giao các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều công việc cụ thể nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước được Thủ tướng giao nhiệm vụ khẩn trương trình ban hành và triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu 2016-2020.... Đồng thời xây dựng phương án cụ thể để phấn đấu thực hiện giảm lãi suất tín dụng cho vay đầu tư sản xuất, kinh doanh phù hợp với diễn biến lạm phát, kết quả xử lý nợ xấu và yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế…
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến 20/6, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng gần 5,9% (cùng kỳ năm trước tăng hớn 8,2%); trong khi tăng trưởng tín dụng 6 tháng đạt 7,54%.
Mặt bằng lãi suất huy động ổn định, và mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-9% một năm đối với ngắn hạn; 9-11% mỗi năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng có tình hình tài chính minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4 đến 5% một năm.
Báo cáo tại phiên họp trực tuyến Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết phần lớn chi phí của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là trả lãi suất ngân hàng do phải dựa vào vốn tín dụng.
Do các thị trường vốn chưa phát triển, nhiều năm nay, hệ thống ngân hàng là kênh cung ứng vốn quan trọng nhất cho nền kinh tế với quy mô tín dụng bằng khoảng 110-120% GDP, tương đương 6 triệu tỷ đồng. Mặt bằng lãi suất hiện nay, vay dài hạn đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh là 6-9%, ngắn hạn là 9-11%, lãi biên là 3-5%.
Theo ước tính của Bộ Tài chính, ngân hàng đang thu từ nền kinh tế khoảng 200.000 tỷ đồng lãi suất mỗi năm. Con số này cao hơn toàn bộ số thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp vào ngân sách Nhà nước vì số thu này đạt khoảng 188.000 tỷ đồng mỗi năm. Do đó, nếu phấn đấu giảm lãi suất từ 0,5% đến 1% thì tác động còn lớn hơn so với giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.