Ảnh minh họa: Internet |
Gia hạn lần 5 vẫn… phập phù chờ đợi
Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM, phiên đấu giá quảng cáo trên xe buýt được tổ chức ngày 8/3/2019 đã phải dời sang ngày 12/3. Lý do là đến sát ngày đấu giá vẫn chưa có đơn vị nào gửi hồ sơ tham gia. Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM - đơn vị được giao tổ chức đấu giá - cũng xác nhận với Báo Đấu thầu thông tin này.
Được biết, đây là lần thứ 4, cuộc đấu giá quảng cáo trên thân xe buýt tại TP.HCM không thành công. Trong lần đấu giá ngày 12/3, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM dự kiến chia nhỏ thành 11 gói. Trong đó, gói thấp nhất gồm 5 tuyến và gói cao nhất gồm 8 tuyến xe buýt. Các đơn vị tham gia đấu giá cũng có thể chọn thời gian thuê quảng cáo 1 năm, 2 năm hoặc 3 năm, thay vì cố định 3 năm như những lần trước.
Theo quy định của cuộc đấu giá, các doanh nghiệp tham gia đấu giá phải đặt trước tiền mặt tương ứng với thời gian thuê, thấp nhất 5% giá khởi điểm của gói đấu giá trong thời gian thuê 3 năm, 7% của thời gian thuê 2 năm và 10% nếu thuê 1 năm. Đơn vị trúng đấu giá được quyền quảng cáo trên 50% diện tích mỗi bề mặt của thân xe buýt, kể cả phần cửa, kính xe (trừ những vị trí sử dụng để thông tin nhận diện, mặt trước, mặt sau và nóc xe).
Theo đại diện Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM, nếu quá thời gian gia hạn (ngày 12/3) mà vẫn không có đơn vị nào tham gia, phương án đưa ra có thể là giao cho một đơn vị bán lẻ và không nhất thiết phải đấu giá theo giá sàn có sẵn mà sẽ thương lượng, hoặc nghiên cứu giao lại cho các doanh nghiệp, hợp tác xã xe buýt chủ động trong việc cho thuê quảng cáo trên thân xe. Đây có thể coi là kịch bản cuối cùng với hoạt động đấu giá khai thác quảng cáo trên thân xe buýt tại TP.HCM vốn được kỳ vọng đem lại nguồn thu, bù đắp kinh phí trợ giá từ ngân sách TP.HCM cho hoạt động giao thông công cộng.
Tuyến “bèo”, giá vẫn “chát”
Câu hỏi đặt ra là, tại sao qua nhiều lần tổ chức đấu giá, đến nay vẫn chỉ có một doanh nghiệp là Công ty Koa Sha (Nhật) trúng thầu Gói quảng cáo số 1 với giá 161 tỷ đồng trên thân 492 xe buýt? Trong khi đó, việc quảng cáo trên các xe còn lại dù đã đưa ra đấu giá nhiều lần nhưng không đơn vị nào tham gia?
Chỉ cần nhìn vào sơ đồ tuyến của Gói số 1 mà Công ty Koa Sha đã trúng và đang cung cấp dịch vụ khai thác quảng cáo có thể hiểu phần nào lý do. Hầu như các tuyến của Gói số 1 đều là những tuyến huyết mạch, đi qua các con đường có tính biểu tượng của TP.HCM trong việc gây ấn tượng với đại chúng. Đây là những tuyến khai thác lộ trình từ trung tâm TP.HCM đến các khu vực có mật độ cư dân đông như sân bay, trường đại học, bệnh viện…
Hội Quảng cáo TP.HCM khẳng định, thị phần béo bở về khai thác dịch vụ quảng cáo trên xe buýt đã thuộc về doanh nghiệp trúng Gói số 1. Do đó, khi xây dựng đơn giá cho các gói khác, cho những tuyến khác, cần phải đánh giá lại, điều chỉnh cho phù hợp. Bởi những tuyến vùng ven, ngoại thành ít hấp dẫn hơn hẳn so với các tuyến thuộc Gói số 1. Tuy nhiên, thực tế, giá sàn cho các gói đấu giá quảng cáo trên thân xe buýt vẫn được Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM xây dựng… rất cao. Sự thờ ơ, không mặn mà của doanh nghiệp cả nội lẫn ngoại với những gói trên là hoàn toàn dễ hiểu.
Mặc dù giá sàn đã được các sở, ban, ngành TP.HCM thẩm định, nhưng mức giá sàn quảng cáo trên thân xe buýt của TP.HCM đang cao hơn rất nhiều so với TP. Hà Nội - nơi áp dụng rất thành công mô hình này.
Theo các chuyên gia quảng cáo, cần xây dựng lại khung giá sàn cho các gói để phù hợp hơn với thị trường nhằm tìm kiếm sự quan tâm của các doanh nghiệp.
Năm 2019, ngân sách TP.HCM phân bổ cho trợ giá xe buýt ở mức 1.000 tỷ đồng, thấp hơn mức trợ giá năm 2018, khiến nhiều hợp tác xã xe buýt lo ngại hoạt động của xe buýt tiếp tục khó khăn. Nếu không đấu giá thành công quyền khai thác quảng cáo trên thân xe buýt, giao thông công cộng tại TP.HCM sẽ chồng chất khó khăn trong thời gian tới.