Ảnh minh họa: Internet |
Tăng trưởng toàn diện
Báo cáo ADO được ADB công bố vào tháng 4/2018 đã dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên tới 7,1%. Tuy nhiên, ADB vừa cập nhật dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam giảm 0,2 điểm phần trăm, còn 6,9%.
Đánh giá chung, ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam khẳng định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là toàn diện, đạt được trên tất cả các lĩnh vực, với động lực là ngành sản xuất, chế tạo tiếp tục mở rộng, sản xuất nông nghiệp tăng cao, ngành dịch vụ ổn định, tiêu dùng trong nước được duy trì tốt, đầu tư dồi dào từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước.
Nền kinh tế nhiều khả năng sẽ tăng trưởng tốt trong ngắn hạn nhờ nhu cầu nội địa được duy trì, điều kiện kinh doanh được cải thiện, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định. Tăng chi tiêu công trong nửa cuối năm nay được dự báo sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong đầu tư.
Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh tới sản xuất công nghiệp như là điểm sáng của kinh tế Việt Nam với mức tăng trưởng 9,3%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực chính của lĩnh vực này.
“Sản lượng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13% do sự tăng trưởng ấn tượng trong các ngành xuất khẩu như viễn thông, điện tử và dệt may. Tăng trưởng mạnh của công nghiệp chế biến, chế tạo bù đắp mức tăng trưởng chậm lại của ngành xây dựng, từ 8,5% nửa đầu năm ngoái xuống còn 7,9% trong năm nay do tác động của các biện pháp hạn chế cho vay của ngân hàng với bất động sản”, ông Cường nhấn mạnh.
Đánh giá tác động từ căng thẳng thương mại
Dự báo về những thách thức trong nửa cuối 2018 và cả năm 2019, ADB cho rằng, nền kinh tế Việt Nam vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi những thách thức trong và ngoài nước. Tăng trưởng giảm nhẹ ở các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Liên minh châu Âu và Nhật Bản có thể ảnh hưởng đến tổng cầu thương mại thế giới. Căng thẳng thương mại leo thang cũng có thể tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu và dòng vốn FDI vào Việt Nam. Áp lực lạm phát có thể sẽ tiếp tục duy trì trong ngắn hạn do giá dầu quốc tế tăng và giá lương thực tăng.
Về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, ông Nguyễn Minh Cường nhận định, khó có thể định lượng được tác động từ cuộc chiến này bằng những con số cụ thể. ADB chỉ dự báo rằng, các nhà sản xuất Trung Quốc có thể tìm kiếm và di dời cơ sở sản xuất của họ đến các nước khác để tiếp tục tiến hành sản xuất kinh doanh.
Nếu chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang hơn nữa thì có thể gây căng thẳng cho tổng cầu thương mại thế giới. Việt Nam là quốc gia có độ mở của nền kinh tế tới gần 190% (kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP), do đó xuất khẩu rất dễ bị ảnh hưởng; các kênh đầu tư, tài chính cũng bị ảnh hưởng nếu Trung Quốc điều chỉnh và phá giá đồng nhân dân tệ.
Trước những quan ngại này, chuyên gia của ADB nhấn mạnh, rủi ro đối với triển vọng kinh tế Việt Nam có xu hướng gia tăng, nguy cơ chịu những tác động xấu từ căng thẳng thương mại leo thang trên toàn thế giới. Những tác động này không chỉ ảnh hưởng đến triển vọng xuất khẩu mà còn kìm hãm FDI. Do đó, ADB khuyến cáo, Việt Nam cần nghiên cứu sâu thêm để có thể lượng hóa được những ảnh hưởng này tới kinh tế, từ đó có những đối sách, điều hành phù hợp.