Ông Adu Gyamfi Abunyawa, người bạn quốc tế thân thuộc của đội ngũ cán bộ làm công tác đấu thầu Việt Nam gửi gắm nhiều kỳ vọng cho năm mới 2017 |
Với ông, nỗ lực của cơ quan ban hành chính sách đấu thầu trong năm này là rất đáng ghi nhận và có giá trị lan tỏa.
Những email trao đổi nội dung giữa chúng tôi và Adu thường diễn ra vào các buổi tối cuối năm, khi công việc của vị chuyên gia này đã vơi bớt. Mỗi lần trao đổi, ông Adu đều rất trọng thị với Cục Quản lý đấu thầu, Báo Đấu thầu. Và với người bạn đặc biệt này, chúng tôi đã phải trao đổi đến email thứ 8 mới hoàn thiện được bài viết.
Adu cho biết, năm nay là năm thứ tư ông ăn Tết ở Việt Nam. “Tôi thấy đây là một thời gian tuyệt vời để họp mặt các thành viên trong gia đình, thể hiện tình yêu với mọi người trong gia đình cũng như những người khác, bao gồm cả người nước ngoài. Tôi đã dành tất cả ba năm ăn Tết Việt Nam trước đây và đến thăm nhiều nơi thú vị của đất nước này. Tôi thấy rất nhiều điểm du lịch trong nước có tiềm năng và thú vị để tham quan. Bất cứ nơi nào tôi đến thăm thì người dân đều thể hiện tình yêu và lòng hiếu khách, làm tôi thực sự cảm thấy đây như là gia đình của mình”, Adu cảm động nói.
Adu cho biết, điều thú vị là trong bốn năm qua, ông đã chứng kiến sự tăng trưởng và phát triển kinh tế trong nước rất tốt. “Điều này cho thấy quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong xóa đói giảm nghèo và tạo ra một tương lai tươi sáng cho người dân Việt Nam. Tôi thấy Chính phủ thực hiện một số chính sách sáng tạo để tạo ra tính cạnh tranh, tăng tính minh bạch và hỗ trợ nâng cao trách nhiệm để đạt được nền kinh tế theo định hướng thị trường”, vị chuyên gia khẳng định.
“Là chuyên gia đấu thầu của WB, nhưng tôi biết rõ, trong năm 2016, Cục Quản lý đấu thầu đã xây dựng số lượng thông tư, văn bản hướng dẫn rất lớn; đồng thời, liên tục cải tiến mạnh mẽ hệ thống mua sắm điện tử để dễ dàng cho người thực hiện, tăng cường tính minh bạch, hiệu quả và tạo sự công bằng cho tất cả các nhà cung cấp Việt Nam và các nhà thầu quốc tế”, Adu chia sẻ.
Ông cũng cung cấp thêm, một hoạt động quan trọng khác được thực hiện bởi Cục Quản lý đấu thầu, bao gồm việc thành lập một hệ thống giám sát, đánh giá để giúp đo lường hiệu quả hệ thống mua sắm công, thúc đẩy việc nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công. Sau khi đã tham gia vào Chương trình Sáng kiến đấu thầu toàn cầu với mục đích tạo nguồn thông tin về việc mua sắm và thực hiện hợp đồng, Cục cũng đã có nhiều nỗ lực để xây dựng Chương trình trở nên khả thi. Cục Quản lý đấu thầu cũng đã nỗ lực cùng với nhiều bộ, ngành khác xây dựng chính sách nhằm cải thiện việc quản lý hợp đồng, đề xuất nhiều nội dung phù hợp với thông lệ quốc tế.
Người bạn quốc tế thân thuộc của đội ngũ cán bộ làm công tác đấu thầu Việt Nam có nhiều kỳ vọng cho một năm mới 2017, thông qua Báo Đấu thầu gửi gắm thông điệp của mình: “Hướng tới năm 2017, tôi mong rằng Cục Quản lý đấu thầu sẽ khởi động thành công việc thực hiện chiến lược quốc gia về đào tạo mua sắm công và xây dựng năng lực để đào tạo một lực lượng cán bộ chuyên trách về đấu thầu mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng. Đó là một lực lượng cán bộ phụ trách công tác đấu thầu thực sự chuyên nghiệp, hiệu quả, năng động trong hoạt động đấu thầu. Kế hoạch dự tính đào tạo khoảng 2.500 người, trong đó có khoảng 1.500 học viên và 1.000 nhà hoạch định chính sách và cán bộ với chức năng giám sát và quản lý, 50 giảng viên chuyên nghiệp về đấu thầu trong 3 năm tới là rất ý nghĩa đối với toàn bộ công tác đấu thầu, nâng cao hiệu quả đầu tư cho Việt Nam”. Ngoài ra, Adu cũng cho biết, việc thực hiện chiến lược quốc gia và lộ trình phát triển hệ thống mua sắm mới tại Việt Nam thông qua mô hình PPP sẽ cho thấy nhiều hiệu quả tích cực.