Những thực phẩm đắt đỏ như thịt có giá tới 9,5 triệu bolivar mỗi kg. Ảnh:Reuters |
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới vừa được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố, lạm phát của Venezuela cuối năm nay được dự báo là 1,37 triệu phần trăm. Tốc độ này cao hơn so với 1 triệu phần trăm hồi tháng 7 và gấp hàng trăm lần ước tính hồi tháng 1. Năm tới, lạm phát tại quốc gia Nam Mỹ này có thể còn lên 10 triệu phần trăm.
Các số liệu kinh tế dự báo khác của Venezuela được giữ nguyên, với GDP giảm 18% năm nay. Đây là năm thứ 3 liên tiếp GDP nước này giảm 2 chữ số, do sản lượng dầu đi xuống và bất ổn chính trị tăng.
Nhiều năm điều hành kinh tế sai lầm, cùng hoạt động sản xuất dầu thô xuống thấp nhất 7 thập kỷ đã đẩy Venezuela vào một cuộc khủng hoảng từ năm 2014. Kể cả khi dự trữ ngoại hối lao dốc, lương thực, thuốc men thiếu hụt, họ vẫn không gỡ bỏ chính sách kiểm soát giá và tiền tệ phức tạp mà các nhà kinh tế học cho là nguyên nhân chính đưa Venezuela đến tình cảnh này.
Từ khi nhậm chức năm 2013, Tổng thống Venezuela - Nicolas Maduro đã 24 lần nâng lương tối thiểu để đối phó lạm phát. Sau lần nâng hồi tháng 8, với mức tăng hơn 3.000% lên 1.800 bolivar, lương tối thiểu ở đây cũng chỉ tương đương gần 20 USD một tháng. Dù vậy, các doanh nghiệp thậm chí vẫn không đủ tiền trả lương cho nhân viên.