Vatuco 378 có hấp dẫn nhà đầu tư?

(BĐT) - Tháng 10/2016, Bộ Quốc phòng chính thức có Quyết định phê duyệt phương án và chuyển Công ty TNHH MTV Vatuco 378 thuộc Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Vạn Tường thành Công ty cổ phần. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có văn bản về thời gian, địa điểm tổ chức đấu giá cho phiên chào bán cổ phần lần đầu (IPO) của Vatuco 378.

Theo đó, 1,17 triệu CP của Vatuco 378 sẽ chính thức được bán đấu giá vào ngày 14/2/2017 với mức giá khởi điểm bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần (CP).

Vốn điều lệ dự kiến của Vatuco 378 là 25 tỷ đồng, tương đương 2,5 triệu CP lưu hành. Như vậy, số lượng CP chào bán trong phiên IPO chiếm 46,87% vốn điều lệ Công ty. Theo kế hoạch cổ phần hóa được Bộ Quốc phòng phê duyệt, Vạn Tường (Công ty mẹ hiện tại của Vatuco 378) sẽ nắm 1,23 triệu CP Vatuco 378, tương đương 49% vốn điều lệ của Công ty. 4,13% CP Vatuco 378 sẽ được chào bán cho người lao động, trong đó chủ yếu là bán ưu đãi. 

Ưu thế là doanh nghiệp quân đội

Công ty mẹ của Vatuco 378 - Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Vạn Tường là doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 5. Vạn Tường được thành lập từ năm 1996, nhưng đến năm 2009 Công ty mới chính thức chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV hoạt động theo hình thức Công ty mẹ - Công ty con. Với đặc điểm là một doanh nghiệp quân đội, Vatuco 378 nhận được sự hỗ trợ tích cực của Quân khu 5 nói chung và Công ty Vạn Tường nói riêng, được tạo điều kiện cho thi công nhiều công trình quốc phòng như doanh trại quân đội, trường bắn, nhà chỉ huy, đài quan sát, trung tâm điều dưỡng, bệnh viện quân y, nhà ở bộ đội…

Các hợp đồng lớn của Vatuco 378 có giá trị từ mức 20-30 tỷ đồng. Trong năm vừa qua, hợp đồng có giá trị lớn nhất của Công ty lên tới hơn 60 tỷ đồng, gần bằng 2/3 giá trị tổng tài sản của cả năm 2016.

Doanh thu thuần năm 2015 của Công ty đến hoàn toàn từ hoạt động xây lắp, đạt 138,5 tỷ đồng, tăng 15,1% so với kết quả đạt được của năm 2014. Tuy nhiên, đến 9 tháng đầu năm 2016, doanh thu ghi nhận của Vatuco 378 chỉ đạt gần 24 tỷ đồng, lợi nhuận vỏn vẹn 167 triệu đồng. Như vậy, mặc dù có nhiều thuận lợi về các dự án quân đội, kết quả kinh doanh của Vatuco 378 là rất hạn chế.

Vốn chủ sở hữu của Vatuco 378 tính đến cuối quý III/2016 chỉ ở mức 13,4 tỷ đồng. Tổng tài sản cuối quý III/2016 của Công ty đạt 92,5 tỷ đồng, tăng gần 20 tỷ đồng so với số dư đầu năm. Phần lớn tài sản của Vatuco 378 được tài trợ bằng nguồn nợ phải trả, trong đó chủ yếu là khoản mục phải trả người bán ngắn hạn (20,8 tỷ đồng) và người mua trả tiền trước (49,6 tỷ đồng). Hàng tồn kho cuối quý III/2016 lên tới 54,4 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi con số đầu năm, phần lớn là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang. 

Không thay đổi mục đích sử dụng đất

Với 49% vẫn thuộc Nhà nước, việc cổ phần hóa liệu có thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư khi kế hoạch kinh doanh của Công ty vẫn không có bước đột phá?
Trong phương án cổ phần hóa Vatuco 378, thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp là ngày 30/9/2015. Công ty có duy nhất một thửa đất số 16, có địa chỉ tại 77 Duy Tân, Đà Nẵng với diện tích gần 1.600 m2. Đây là đất thuê của Bộ Quốc phòng từ năm 2010 để làm văn phòng làm việc. Giá trị quyền sử dụng đất không được tính vào giá trị doanh nghiệp xác định để cổ phần hóa.

Đáng chú ý, trong năm 2015, Công ty đã ghi giảm nguyên giá quyền sử dụng đất quốc phòng, giảm vốn chủ sở hữu theo hướng dẫn của Phòng Quản lý kinh tế thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 5. Từ 13,1 tỷ đồng cuối năm 2014, giá trị tài sản cố định vô hình cuối năm 2015 của Vatuco 378 còn 0 đồng.

Sau cổ phần hóa, Vatuco 378 đề nghị tiếp tục thuê đất để làm văn phòng và trả tiền hàng năm theo hồ sơ pháp lý hiện tại. Như vậy, khác với phương án cổ phần hóa của nhiều doanh nghiệp nhà nước trong thời gian vừa qua, Vatuco 378 chưa có dự định thay đổi mục đích sử dụng đất. Vatuco 378 cũng không có kế hoạch chào đón cổ đông chiến lược trong phương án cổ phần hóa Công ty.

Trong ngắn hạn, sau cổ phần hóa, Vatuco 378 vẫn chưa có những bứt phá về hoạt động kinh doanh. Theo kế hoạch, vốn điều lệ của Công ty chỉ tăng nhẹ trong vòng 2 năm tới, đạt gần 28 tỷ đồng vào năm 2018. Kế hoạch lợi nhuận sau thuế của Công ty năm 2016 chỉ dừng ở mức 1,8 tỷ đồng, sau 9 tháng vẫn chưa hoàn thành đủ 10%. Trong 2 năm tiếp theo (2017 - 2018), kế hoạch lợi nhuận của Công ty dự kiến tăng xung quanh 100 triệu đồng mỗi năm, ước đạt 2 tỷ đồng vào năm 2018.

Với 49% vẫn thuộc Nhà nước, việc cổ phần hóa liệu có thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư khi kế hoạch kinh doanh của Công ty vẫn không có bước đột phá?

Chuyên đề