Vào cuộc đưa hàng Việt “phủ sóng” các gói thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong nỗ lực đưa chính sách hỗ trợ hàng Việt vào cuộc sống, tạo điều kiện cho hàng Việt trúng thầu nhiều hơn tại những gói thầu sử dụng vốn ngân sách nhà nước, các địa phương, bộ, ngành, tập đoàn đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, căn cơ. Chính những quyết sách này đã góp phần thay đổi tư duy “sính ngoại” của các chủ đầu tư khi tổ chức mua sắm, đấu thầu.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam sử dụng nhiều thiết bị, phụ tùng sản xuất trong nước thay thế nhập khẩu. Ảnh: Tiên Giang
Tập đoàn Điện lực Việt Nam sử dụng nhiều thiết bị, phụ tùng sản xuất trong nước thay thế nhập khẩu. Ảnh: Tiên Giang

Ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, tại Kon Tum, các cơ quan, đơn vị khi mua sắm tài sản công đã ưu tiên lựa chọn sản phẩm sản xuất trong nước; người tiêu dùng đã có sự so sánh giữa giá cả và chất lượng của hàng Việt với hàng ngoại nhập để mua sắm phù hợp với túi tiền; dần loại bỏ tâm lý “sính” hàng ngoại trong mua sắm.

Trong 10 năm (2010 - 2020), HĐND, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành trên 26 văn bản về cơ chế, chính sách liên quan để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhà sản xuất, tạo môi trường lành mạnh để tăng sức mua sắm của người tiêu dùng. Đặc biệt, Kon Tum đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính vận động các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư ưu tiên mua sắm hàng hóa, máy móc thiết bị và sử dụng các loại vật tư trong nước, nhất là đối với các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước; thực hiện phân chia các gói thầu có quy mô phù hợp, tạo điều kiện cạnh tranh tối đa, ưu tiên tạo việc làm cho lao động tại chỗ.

Nhờ đó, hàng hóa chất lượng cao của Việt Nam có mặt nhiều hơn tại các gói thầu sử dụng ngân sách của Kon Tum. “Chúng tôi quan niệm rằng, đưa hàng Việt vào thói quen mua sắm tại mỗi gói thầu là biểu hiện rõ nhất của yêu hàng Việt”, ông Tháp khẳng định.

Ngày 18/8/2021, Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành Chương trình số 08-CTr/TU về thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới. Theo đó, Tỉnh ủy Quảng Nam yêu cầu “đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc tiêu dùng hàng Việt Nam. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Tỉnh có sử dụng ngân sách nhà nước phải ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam khi mua sắm, đầu tư công”.

Theo Tổng công ty Điện lực TP.HCM, trong công tác mua sắm vật tư, thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh của các đơn vị trực thuộc, đã ưu tiên lựa chọn các nhà thầu cung cấp vật tư, thiết bị sản xuất trong nước, ngoại trừ thiết bị, vật tư đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ thuật cao mà doanh nghiệp trong nước chưa sản xuất được. Tỷ lệ đấu thầu sử dụng hàng hóa trong nước tăng theo từng năm, từ 61% năm 2009 lên 88% năm 2013 và hiện nay xấp xỉ 90%.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Lê Dương Quang, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho biết, ngành công nghiệp hỗ trợ đã có những bước tiến dài. Doanh nghiệp Việt có bệ đỡ từ hệ thống chính sách hỗ trợ của Nhà nước, trong đó phải kể đến chính sách đấu thầu. Ưu đãi cho hàng hóa có tỷ lệ nội địa hóa cao là kênh tiếp cận thị trường thuận lợi cho các nhà thầu, từ đó tăng sức cạnh tranh, tạo giá trị lan tỏa.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xác định việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong đầu tư xây dựng là khởi đầu quan trọng. Do đó, những năm qua, EVN không tổ chức đấu thầu quốc tế các gói thầu của Tập đoàn khi nhà thầu trong nước có đủ năng lực thực hiện. Đối với các gói thầu phải tổ chức đấu thầu rộng rãi quốc tế, EVN quy định bắt buộc nhà thầu phải sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong nước đã sản xuất được, đáp ứng môi trường cạnh tranh lành mạnh và yêu cầu kỹ thuật cao. Bên cạnh đó, khuyến khích nhà thầu sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong nước để có thể hưởng ưu đãi theo quy định của Luật Đấu thầu.

Đối với các gói thầu được tài trợ bởi nguồn vốn ODA, EVN cũng chủ động nêu cụ thể tại hồ sơ mời thầu ưu đãi đối với sản phẩm, thiết bị sản xuất trong nước. Đối với dự án nhiệt điện thực hiện theo hình thức EPC (thiết kế - cung cấp thiết bị - xây dựng lắp đặt) được tài trợ bởi nguồn vốn ODA, trong quá trình thương thảo hoàn thiện hợp đồng, EVN yêu cầu các tổng thầu thuê nhà thầu phụ trong nước và khuyến khích sử dụng thiết bị, máy móc, vật tư trong nước sản xuất được.

Bên cạnh đó, các đơn vị thành viên EVN đã chủ động hơn trong việc tìm nguồn vật tư, phụ tùng có thể chế tạo, gia công trong nước; nghiên cứu, tự sửa chữa, phục hồi một số thiết bị cơ nhiệt, điện tử, góp phần giảm giá thành sản xuất. Đến nay, EVN sử dụng ngày một nhiều thiết bị, phụ tùng sản xuất trong nước thay thế nhập khẩu như: công tơ đo đếm, biến dòng điện, điện áp, tụ bù, thiết bị thí nghiệm, tủ bảng điện, các loại dao cách ly đến 220 kV, tủ điện đo lường, điều khiển bảo vệ, các thiết bị, phụ kiện cho trạm biến áp và nhà máy điện, thiết bị điện cao áp, đặc biệt là máy biến áp 220 kV, 500 kV…

Tại Bộ Y tế, Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” triển khai từ năm 2012 đã góp phần tăng tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước, thúc đẩy ngành sản xuất, kinh doanh dược phát triển, đáp ứng cơ bản nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh.

Bộ Y tế cho biết, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngày càng hoàn thiện với nhiều quy định ưu tiên, khuyến khích phát triển ngành công nghiệp dược. Đặc biệt, Luật Đấu thầu, Luật Dược quy định danh mục không chào thầu thuốc nhập khẩu trên cơ sở nhóm tiêu chí kỹ thuật khi thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp. Ngoài ra, Bộ Y tế đã ban hành nhiều thông tư quy định về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế (Thông tư 01/2012, Thông tư 11/2012, Thông tư 36/2013, Thông tư 15/2019), qua đó khuyến khích sản xuất, sử dụng thuốc trong nước.

Theo báo cáo của các sở y tế, tỷ lệ trung bình giá trị thuốc sản xuất trong nước sử dụng tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh và tuyến huyện tăng nhanh qua các năm, từ mức 46,62% năm 2013 lên 63,53% năm 2018. Trong đó, riêng tuyến tỉnh tăng từ 34,1% (năm 2013) lên 57% (năm 2018), vượt mục tiêu đề ra đến năm 2020 là 50%; đối với tuyến huyện đạt 76,62% năm 2018, vượt mục tiêu đến năm 2020 là 75%. Một số tỉnh có tỷ lệ thuốc trong nước sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh cao như: Phú Yên (87%), Quảng Bình (76,9%), Tuyên Quang (76,46%), Kon Tum (76,38%), Hậu Giang (75,36%)…

Không chỉ tỷ lệ sử dụng tăng, danh mục thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp cũng tăng 7 lần từ 146 thuốc (năm 2016) lên 640 thuốc (năm 2019). Chất lượng thuốc sản xuất trong nước ngày càng cao và được nhân dân tin dùng. Tính đến nay đã có hàng trăm thuốc trong nước có tài liệu chứng minh tương đương sinh học với thuốc biệt dược gốc, thuốc phát minh. Nhiều sản phẩm thuốc Việt được xuất khẩu sang các nước khu vực ASEAN và châu Âu.

Chuyên đề