Vẫn loay hoay vốn cho các dự án điện

(BĐT) - Để bảo đảm cung cấp điện cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt ngày càng tăng cao, nhiều năm qua, ngành điện vẫn sốt sắng tìm vốn cho các dự án đầu tư nguồn và lưới điện. Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước lại đang rất quan tâm đến các dự án điện. 
PPP sẽ tháo gỡ vấn đề huy động vốn đầu tư cho ngành điện. Ảnh: Lê Tiên
PPP sẽ tháo gỡ vấn đề huy động vốn đầu tư cho ngành điện. Ảnh: Lê Tiên

Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa gặp được nhau và bài toán vốn đầu tư cho ngành điện vẫn chưa có lời giải.

Khó về vốn

Câu chuyện vốn cho ngành điện không phải bây giờ mới nóng, tại những hội thảo từ nhiều năm trước vấn đề này đã được đặt ra nhưng vẫn chưa tìm được lời giải.

Ông Phạm Quốc Đông, Công ty CP Đầu tư phát triển Lotus Việt Nam chia sẻ, khó khăn lớn nhất trong việc thu hút đầu tư vào các dự án điện là vấn đề bảo lãnh của Chính phủ để vay vốn nước ngoài. Theo ông Đông, nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng tham gia nhưng họ cần phía Việt Nam có vốn đối ứng. “Một nhà đầu tư Đức sẵn sàng bỏ 90% vốn đầu tư vào một dự án phát điện từ rác thải ở Hà Nội có tổng vốn đầu tư 360 triệu USD. Sau một thời gian dài tìm kiếm đối tác, nhà đầu tư này đã phải từ bỏ ý định đầu tư do phía Việt Nam không thu xếp được nguồn vốn”, ông Đông chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Ngô Quốc Hội, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty CP Điện An Khánh - Bắc Giang chia sẻ, do câu chuyện bảo đảm trần nợ công, chính sách bảo lãnh Chính phủ với các dự án điện cũng bị siết chặt. Ngay ở các ngân hàng trong nước, nhà đầu tư cũng chỉ được vay không vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng, buộc họ phải vay của các ngân hàng quốc tế. Còn các ngân hàng quốc tế lại đặt ra khá nhiều điều kiện với nhà đầu tư. 

Ông Hội lên tiếng, hiện các dự án nằm trong Sơ đồ điện VII, có hai loại hình đầu tư là BOT do các nhà đầu tư nước ngoài và dự án điện đầu tư độc lập (IPP) cơ bản là các nhà đầu tư trong nước.  Các dự BOT được hưởng rất nhiều cơ chế chính sách về chuyển đổi ngoại tệ, bảo lãnh hợp đồng mua bán điện… nhưng với dự án IPP thì không được hưởng những ưu đãi trên.

Trao đổi với báo chí mới đây, Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định, hiện đã có các đơn vị của EVN tự vay mà không cần bảo lãnh, nhưng chỉ thực hiện được ở trong nước và chưa thể ra nước ngoài.  

Tháo gỡ theo hướng nào?

Nhìn nhận về hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP), ông Phạm Quốc Đông cho rằng, đây là một hình thức đầu tư đầy tiềm năng để tháo gỡ vấn đề vốn cho ngành điện Việt Nam. PPP sẽ giúp Việt Nam khai thác được nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân nhiều hơn, chính sách trả nợ có đầu ra. Với góc nhìn đó, ông Đông đề xuất, Chính phủ cần có hành lang pháp lý tốt hơn nữa với PPP để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, ông Đông kiến nghị, để tránh rủi ro trong bảo lãnh của Chính phủ tại các dự án thì ngay từ đầu công tác thẩm định dự án phải chuẩn, phải xứng tầm.

Nêu giải pháp cho vấn đề này, ông Ngô Quốc Hội kiến nghị, Chính phủ nên có chính sách để bảo đảm cạnh tranh công bằng giữa nhà đầu tư IPP và BOT. Ông Hội cũng kiến nghị Bộ Công Thương cho phép các ngân hàng trong nước nới rộng trần cho vay từ 15% như hiện nay lên mức 25% như trước để giảm thiểu tình trạng thiếu vốn triển khai xây dựng dự án mới.

Còn theo đại diện EVN, để bảo đảm vốn cho các dự án năm 2018, Tập đoàn đã yêu cầu các đơn vị cân đối nguồn vốn đầu tư bảo đảm đủ cho các công trình, đặc biệt là các công trình trọng điểm, các công trình phải hoàn thành trong năm. EVN cũng yêu cầu các Ban Quản lý dự án đặc biệt chú trọng công tác lập kế hoạch vốn, nghiệm thu khối lượng hoàn thành kịp thời cho các nhà thầu để thanh toán và giải ngân nhanh các nguồn vốn. Ngoài ra, Tập đoàn này còn nghiên cứu đến phương án phát hành trái phiếu trung và dài hạn để bù đắp nguồn vốn đầu tư.

Chuyên đề