Ưu tiên đầu tư các công trình giao thông có tính đột phá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -Tại Buổi làm việc giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chiều ngày 12/8/2020, các đại biểu tham dự đều đồng tình quan điểm trong giai đoạn 2021 – 2025 sẽ ưu tiên đầu tư các công trình giao thông động lực, có tính đột phá; đồng thời cải cách thể chế, chính sách để tạo ra thị trường hạ tầng giao thông sinh lời, thu hút được sự tham gia của khối tư nhân, phục vụ nhu cầu phát triển của xã hội.
Toàn cảnh buổi làm việc giữa Bộ KH&ĐT và Bộ GTVT chiều ngày 12/8/2020
Toàn cảnh buổi làm việc giữa Bộ KH&ĐT và Bộ GTVT chiều ngày 12/8/2020

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, nhu cầu đầu tư của ngành GTVT lớn hơn rất nhiều so với khả năng cân đối nguồn lực. Nếu vẫn phân bổ từ nguồn vốn ngân sách hạn hẹp dành cho ngành GTVT để ưu tiên tập trung đầu tư các dự án động lực, đột phá thì sẽ không còn khả năng cân đối cho các dự án khác. Ông Thể cho rằng, chúng ta xác định mục tiêu đến năm 2025 đưa vào khai thác khoảng 3.278 km đường bộ cao tốc (trong đó có 1.929 km đường bộ cao tốc Bắc – Nam từ Lạng Sơn tới Cần Thơ) thì nên xem đây là dự án trọng điểm quốc gia, tập trung các nguồn lực để thực hiện. Nhà nước cần có gói đầu tư tập trung riêng để hoàn thành mục tiêu này, nếu không sẽ vẫn “loay hoay” với bài toán đầu tư hệ thống đường cao tốc trong thời gian dài.

Ông Thể cho biết, thời gian tới, Bộ GTVT sẽ ưu tiên đầu tư để hoàn thành giai đoạn 1 Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Nguồn vốn đầu tư công còn lại sẽ thực hiện cải tạo các điểm nghẽn và nâng cấp để khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện hữu; nâng cấp đường cất hạ cánh tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài; nâng cấp mặt đường và hệ thống an toàn giao thông trên các tuyến Quốc lộ có nhu cầu vận tải lớn; các dự án thực sự cấp bách của đường bộ, đường thủy và hàng hải.

Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, tổng nhu cầu vốn đầu tư tối thiểu cho ngành giao thông giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 358.000 tỷ đồng, gồm 230.000 tỷ đồng vốn trong nước, 70.000 tỷ đồng vốn nước ngoài và 58.000 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách. Trong đó, nếu sắp xếp theo thứ tự ưu tiên thì dự án quan trọng quốc gia (đường cao tốc Bắc – Nam) đã phải đầu tư 106.022 tỷ đồng, trả nợ thuộc nghĩa vụ ngân sách nhà nước 29.101 tỷ đồng, chuẩn bị đầu tư 1.000 tỷ đồng, các dự án chuyển tiếp 71.134 tỷ đồng; các dự án quan trọng, điểm nghẽn của các lĩnh vực ngành giao thông 92.700 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT), cần ưu tiên các nguồn lực để thông tuyến cao tốc Bắc – Nam. Nếu làm được toàn bộ tuyến cao tốc thì cần thiết kế tổng thể mỗi bên tối thiểu 5 làn xe, tổng 10 làn xe. Theo đánh giá của các nhà thầu quốc tế, mỗi lần nâng cấp cải tạo đắt hơn 2 - 3 lần so với làm mới. Vấn đề hiện nay là làm thế nào để huy động được các nguồn lực tham gia xã hội hóa đầu tư dự án ngành giao thông. Theo kế hoạch ban đầu, 8 đoạn tuyến trên cao tốc Bắc – Nam đã đưa ra đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo hình thức PPP, sau đó lại đấu thầu trong nước, rồi tiếp tục chuyển đổi sang hình thức đầu tư công 3/8 dự án thành phần vì quan ngại nhà đầu tư trong nước không đủ tiềm lực tài chính, không khả thi trong thực hiện. Khi triển khai các dự án PPP, nếu không có niềm tin thu hút được nhà đầu tư tham gia thì chắc chắn sẽ thất bại. Vì thế, cần phải chuẩn bị dự án PPP tốt; phải lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện.

Sắp xếp theo thứ tự ưu tiên thì đường cao tốc Bắc – Nam (dự án quan trọng quốc gia) đã phải đầu tư 106.022 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Sắp xếp theo thứ tự ưu tiên thì đường cao tốc Bắc – Nam (dự án quan trọng quốc gia) đã phải đầu tư 106.022 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Phát biểu tại Buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá, ngành GTVT có nhiều việc và cần có sự phối hợp, quyết tâm của các cấp, các ngành để giải quyết các vấn đề về hạ tầng giao thông. Trong bối cảnh nguồn vốn có hạn nhưng nhu cầu xã hội lớn, Bộ nào cũng đưa ra nhu cầu vốn lớn, không phải chỉ riêng Bộ GTVT, vấn đề là lựa chọn như thế nào, chắt lọc được các công trình có tính đột phá của ngành, phải tập trung làm, tránh tình trạng ít tiền nhưng không xác định được trọng tâm, đầu tư sẽ không khả thi.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trong giai đoạn 2016 – 2020, nhiều mục tiêu mà ngành GTVT đặt ra không đạt và ngành cần phải quyết tâm hơn trong nhiệm kỳ tới. Đầu tư vào hạ tầng là tạo đột phá trong phát triển đất nước nên vẫn cần được ưu tiên phát triển. Trách nhiệm của Bộ GTVT là tạo lòng tin của các tổ chức tín dụng, thu hút được nhà đầu tư tham gia; đưa ra các kiến nghị khả thi để huy động đầu tư từ các nguồn lực khác trong xã hội để tham gia đầu tư vào các công trình hạ tầng giao thông, chứ không chỉ trông chờ vào ngân sách.

Chuyên đề