Cầu tín dụng giảm, tiềm ẩn tăng nợ xấu là những tác động của dịch Covid-19 tới tăng trưởng tín dụng. Ảnh: Lê Tiên |
Chưa thay đổi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến ngày 7/2/2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 8.164.561 tỷ đồng, giảm 0,38% so với cuối năm 2019 và giảm 0,47% so với cuối tháng trước. Trong đó, giảm chủ yếu ở một số ngành bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19 như công nghiệp chế biến - chế tạo (chiếm tỷ trọng 16,48% GDP và 14,52% tổng dư nợ nền kinh tế); nông, lâm nghiệp và thủy sản (chiếm 13,96 GDP và 8,74% tổng dư nợ nền kinh tế)…
Theo đánh giá đến ngày 12/2/2020 của 43 tổ chức tín dụng (TCTD), dự kiến dư nợ có khả năng bị ảnh hưởng do dịch chiếm khoảng 13% dư nợ của các TCTD này, khoảng 950 nghìn tỷ đồng.
Trước tác động của dịch bệnh, NHNN đã chỉ đạo các TCTD cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 01; áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay... Bên cạnh đó, NHNN cho biết vẫn chưa thay đổi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của cả năm nay.
Bình luận về tác động của Covid-19 tới tăng trưởng tín dụng, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV cho rằng, dịch bệnh này có thể khiến cầu tín dụng giảm do nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp, hộ gia đình thấp hơn, đặc biệt là trong quý I và quý II. Đồng thời, dịch bệnh này cũng tiềm ẩn nguy cơ làm tăng nợ xấu, khi hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động tiêu cực từ dịch bệnh. Tuy nhiên, mức tác động chưa lớn và chưa cần xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm.
“Dư nợ tín dụng trong tháng đầu năm giảm nhẹ do tác động của dịch bệnh và tính mùa vụ khi thời gian của 2 đợt nghỉ Tết là tương đối dài. Nếu các giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp được triển khai hiệu quả, tăng trưởng tín dụng có thể sẽ tích cực hơn trong thời gian tới”, ông Lực nhấn mạnh.
Ở góc độ khác, TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho biết: “Chính phủ đã có chủ trương không thay đổi các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô. Để đạt được các mục tiêu đó, chính sách tiền tệ phải phù hợp và linh hoạt nên việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cần hết sức cân nhắc. Mặt khác, mức giảm dư nợ tín dụng chưa đến mức phải tính đến chuyện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới”.
Cần giám sát thực thi các chính sách hỗ trợ
Về giải pháp, NHNN đang tiếp tục bám sát diễn biến và tác động của dịch bệnh đối với tăng trưởng và lạm phát, từ đó, điều hành linh hoạt, thận trọng các công cụ chính sách tiền tệ. NHNN kiến nghị Chính phủ cho phép đối tượng khách hàng chưa trả được nợ vay ngân hàng đến hạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 được hưởng cơ chế cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ.
Trong trường hợp dịch bệnh kéo dài và tác động bất lợi đối với các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, NHNN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành trình Chính phủ ban hành chính sách tổng thể, có thể là Nghị định của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch. Trong đó, NHNN đề xuất một số giải pháp như nghiên cứu xây dựng chương trình hỗ trợ tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng với mức lãi suất thấp.
Bình luận về động thái chính sách của NHNN, ông Lực cho rằng, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ đã rất linh hoạt và hợp lý trong công tác chỉ đạo các TCTD hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó. Đáng chú ý, các ngân hàng đang rà soát và đánh giá cụ thể từng lĩnh vực, ngành nghề và khách hàng cần ưu tiên để có phương án phối hợp hỗ trợ tốt nhất và tránh tình trạng trục lợi chính sách.
Cùng quan điểm trên, ông Tín nhấn mạnh: “Quan trọng là cách thức triển khai và giám sát thực thi chính sách. Đồng thời, cần kịp thời đánh giá hiệu quả để tính toán liều lượng phù hợp cho từng thời điểm”.