Ứng phó linh hoạt, kịp thời trong kiểm soát lạm phát

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chỉ số giá tiêu dùng năm 2022 tiềm ẩn nguy cơ gia tăng do nhu cầu tiêu dùng hồi phục, giá cả nguyên vật liệu hàng hóa tăng, chính sách hỗ trợ kinh tế đang được tích cực triển khai. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng cần các giải pháp đồng bộ trong điều hành giá và hài hòa chính sách tài khóa, tiền tệ để kiểm soát tốt lạm phát trong năm nay.
Đà tăng giá xăng dầu là một trong những yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá thời gian tới. Ảnh: Lê Tiên
Đà tăng giá xăng dầu là một trong những yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá thời gian tới. Ảnh: Lê Tiên

Liên Bộ Công Thương - Tài chính cho biết, kể từ 15h ngày 11/2, giá xăng RON92 tăng thêm 980 đồng/lít, từ 23.590 đồng/lít lên mức 24.570 đồng/lít; giá xăng RON95-III tăng thêm 960 đồng/lít, từ mức 24.360 đồng/lít lên mức 25.320 đồng/lít. Các mặt hàng dầu cũng tăng từ 660 - 960 đồng/lít.

Theo đánh giá của Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính, trước tác động của thị trường thế giới, đà tăng giá xăng dầu là một trong những yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá trong thời gian tới. Tuy nhiên, cũng có một số yếu tố giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá như: nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào, đáp ứng được nhu cầu của người dân. Một yếu tố khác góp phần giảm áp lực lên mặt bằng giá là từ ngày 1/2/2022, thuế giá trị gia tăng của nhiều hàng hóa, dịch vụ giảm từ mức 10% xuống còn 8%.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, lạm phát Việt Nam dù thấp hơn các nước song cũng đang tiềm ẩn nguy cơ gia tăng do áp lực lạm phát toàn cầu, giá cả hàng hóa ở mức cao cùng với đà phục hồi kinh tế; độ trễ của các chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng, bao gồm cả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

“Dự báo lạm phát năm 2022 - 2023 sẽ ở mức 3,5 - 3,8%, cao hơn trung bình toàn cầu và các nước ASEAN, gấp gần 2 lần năm 2021. Với mục tiêu kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô và một số yếu tố hỗ trợ kiềm chế lạm phát, sự phối hợp chính sách ngày càng tốt hơn, khả năng lạm phát sẽ được kiểm soát dưới mức mục tiêu 4%”, ông Lực phân tích.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng năm 2022 dưới 4% là không hề dễ dàng. Trước hết, kinh tế thế giới đã có những tín hiệu phục hồi khá rõ, qua đó kích thích nhu cầu tiêu thụ nguyên, nhiên vật liệu, năng lượng… Bên cạnh đó, kinh tế trong nước cũng bắt đầu khởi sắc kéo theo nhu cầu hàng hóa cho sản xuất, đầu tư, nhu cầu tiêu dùng tăng gây áp lực tăng giá. Mặt khác, việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá được điều chỉnh theo hướng tăng sẽ có tác động cộng hưởng đẩy mặt bằng giá lên. Thêm vào đó, thực hiện chính sách nới lỏng tài khóa - tiền tệ theo hướng tăng cung tiền thông qua gói hỗ trợ phục hồi kinh tế với quy mô lớn nhất từ trước đến nay cũng tạo sức ép không nhỏ đến mặt bằng giá.

Do đó, theo ông Thỏa, một trong những giải pháp trọng tâm để kiểm soát lạm phát là bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ trong mọi tình huống, phối hợp điều hành nới lỏng chính sách tài khóa - tiền tệ để phục hồi nền kinh tế một cách phù hợp, tăng khả năng hấp thụ vốn vào sản xuất; kiểm soát chặt chẽ lượng cung tiền.

Đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý giá, đặc biệt những loại là đầu vào quan trọng của nền kinh tế, trong trường hợp bắt buộc điều chỉnh tăng thì phải lựa chọn thời gian thích hợp, tính toán để kiềm chế mức độ điều chỉnh. Phương pháp điều chỉnh là chủ động, linh hoạt phù hợp với sức chịu đựng của nền kinh tế và mục tiêu kiểm soát lạm phát; không điều chỉnh đồng loạt nhiều mặt hàng cùng lúc. Điều chỉnh giá gắn với các giải pháp hạn chế tác động bất lợi mang tính dây chuyền đối với toàn bộ mặt bằng giá.

Để có biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp, kiểm soát lạm phát, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá vừa có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương yêu cầu theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, tình hình lạm phát chung, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược để kịp thời ứng phó trong điều hành sản xuất trong nước, cân đối cung cầu và chính sách xuất nhập khẩu phù hợp.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, tính toán các phương án điều chỉnh giá mặt hàng do Nhà nước quản lý, đánh giá tác động đối với kinh tế - xã hội, mặt bằng giá, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về chính sách, văn bản quy phạm pháp luật để chủ động có phương án điều hành phù hợp khi có dư địa. Việc điều chỉnh giá mặt hàng do Nhà nước quản lý cần thực hiện vào các tháng có CPI tăng thấp nhằm hạn chế lạm phát kỳ vọng. Yêu cầu tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ phối hợp với chính sách tiền tệ linh hoạt để tạo sự hài hòa, hiệu quả, hợp lý với các chính sách kinh tế vĩ mô chung; qua đó hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kiểm soát lạm phát cơ bản và tạo cơ sở cho việc kiềm chế lạm phát chung.

Chuyên đề