Ứng phó Covid-19 lần hai: Quyết liệt chống dịch nhưng không để đứt gãy nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đợt bùng phát này, Chính phủ chỉ đạo khoanh vùng dập dịch quyết liệt, nhưng chỉ tập trung phong tỏa những nơi có dịch, cách ly nguồn dịch, hạn chế giãn cách một cách tràn lan, không vì kiềm chế lây lan dịch bệnh mà "ngăn sông, cấm chợ", làm bế tắc hoạt động kinh tế.
Sắp tới, sẽ có chỉ thị mới về các biện pháp phòng chống COVID-19 trong giai đoạn hiện nay.
Sắp tới, sẽ có chỉ thị mới về các biện pháp phòng chống COVID-19 trong giai đoạn hiện nay.

Đó là quan điểm chỉ đạo của Chính phủ để ứng phó đợt bùng phát dịch Covid-19 lần hai được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chia sẻ với báo chí tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 7/2020 vừa diễn ra chiều tối 3/8.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, đợt bùng phát này, Chính phủ chỉ đạo khoanh vùng dập dịch quyết liệt nhưng không hoảng loạn, chỉ tập trung phong tỏa những nơi có dịch, cách ly nguồn dịch. Những nơi không có lây nhiễm trong cộng đồng mà chỉ có người trở về từ các vùng dịch thì khoanh vùng phạm vi ở mức độ vừa đủ, hạn chế giãn cách một cách tràn lan. Sắp tới, sẽ có chỉ thị mới về các biện pháp phòng, chống Covid-19 trong giai đoạn hiện nay.

Bộ trưởng thông tin thêm tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp đồng bộ phòng, chống dịch, nhưng đồng thời tạo mọi thuận lợi trong lưu thông hàng hóa trong thời gian dịch bệnh bùng phát; không được có bất cứ hạn chế nào; không vì kiềm chế lây lan dịch bệnh mà "ngăn sông, cấm chợ", xử lý nghiêm khắc hành vi vi phạm. Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu không để đứt gãy nền kinh tế xã hội, cần tính toán rất chặt chẽ trước khi quyết định giãn cách xã hội với phạm vi và quy mô hợp lý. Không được tuyên bố giãn cách xã hội mà chưa tính toán phương án phù hợp, đặc biệt là khi chưa có ổ dịch, dẫn đến bế tắc các hoạt động kinh tế xã hội. Tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, tạo thêm dư địa cho điều hành chính sách kinh tế.

Trả lời báo chí về dự báo tác động của làn sóng Covid-19 thứ hai tới nền kinh tế năm nay, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chia sẻ, chưa bao giờ các dự báo về kinh tế lại khó như bây giờ, có quá nhiều yếu tố tác động, nhất là các yếu tố liên quan đến dịch Covid-19.

Theo Thứ trưởng, trong quá trình làm dự báo, khi giả định các kế hoạch, dự kiến mở cửa lại nền kinh tế và một số nền kinh tế trên thế giới, qua diễn biến của dịch Covid-19 đã cho thấy, có nhiều kế hoạch đã đổ vỡ, có nền kinh tế dự kiến mở cửa nhưng phải lùi thời điểm, có những nơi mở cửa rồi nhưng một thời gian ngắn phải đóng lại. “Hiện nay, tình hình biến đổi liên tục, công tác dự báo rất khó. Thực tế, kết quả dự báo của các tổ chức quốc tế, các giả định đều khác nhau”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, về sơ bộ đánh giá tác động, có thể thấy ngay tác động tức thì của đợt Covid-19 này là ngành du lịch và ngành vận tải hành khách bị tác động đầu tiên. Không chỉ Đà Nẵng mà các địa phương, các hãng lữ hành, vận chuyển hàng không đều bị huỷ chuyến đi, huỷ hợp đồng du lịch. Mặc dù tăng trưởng của ngành du lịch trong tháng 7 vừa qua đã có mức tăng tưởng bứt phá so với tháng 6 nhưng mới chỉ 1 tháng đã có tác động lớn.

Thứ trưởng thông tin, ngay sau khi dịch bùng phát, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có chỉ đạo các đơn vị trong Bộ khẩn trương tổ chức nghiên cứu, thu thập số liệu đưa ra các dự báo cũng như thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng trong tháng 8 cùng với các bộ, ngành khác xây dựng các kịch bản chi tiết để phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng và Chính phủ.

Chuyên đề