Tỷ suất lợi nhuận nhiều ngành “đuối” trước lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho biết, lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 9,4 - 11,2%/năm. Lãi vay thực tế có thể còn cao hơn rất nhiều thống kê này do các khoản vay thường phải “cõng” nhiều loại phí. Đây là áp lực lớn cho nhiều ngành như thép, xi măng, xây dựng... có tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư (ROIC) ở mức thấp trong năm qua, trong khi triển vọng tăng trưởng lợi nhuận năm 2023 không mấy sáng sủa.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm 2023 tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19. Mặc dù vậy, quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng qua chỉ đạt 77,7% quy mô của chỉ tiêu này nếu ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay. Hay nói cách khác, sức mua của người dân đang rất yếu.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 5,6%), điều chưa từng có trong 2 tháng đầu năm từ 2001 đến nay. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 1/2023 đạt 47,4 điểm, là tháng thứ ba liên tiếp dưới ngưỡng 50, cho thấy hoạt động sản xuất suy giảm. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 49,44 tỷ USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 46,62 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước.

Những con số trên phần nào cho thấy tình trạng khó khăn của người dân và doanh nghiệp (DN). Trong bối cảnh DN thu hẹp sản xuất, doanh thu giảm, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu, lãi suất ở mức cao là một thách thức không nhỏ cho hoạt động kinh doanh của DN.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tháng 1/2023, lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 9,4 - 11,2%/năm.

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư của doanh nghiệp một số ngành

Nguồn: Phóng viên tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý IV/2022

Nguồn: Phóng viên tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý IV/2022

Theo báo cáo của FiinGroup, ở góc độ khả năng tạo lợi nhuận, ROIC của DN niêm yết phi tài chính chỉ xung quanh mức 10 - 11% trong 5 - 7 năm qua, ngoại trừ năm 2020 giảm mạnh do dịch Covid-19.

Vốn đầu tư bao gồm vốn chủ sở hữu và vốn vay. Nếu ROIC lớn hơn chi phí sử dụng vốn bình quân có nghĩa DN đang sử dụng vốn đầu tư để sinh lời hiệu quả. Ở chiều ngược lại, DN càng làm càng lỗ. Để đơn giản có thể so sánh ROIC với lãi suất cho vay bình quân.

Năm 2022, nhiều ngành sản xuất kinh doanh gặp khó khăn với ROIC thấp như: sắt thép, xi măng, xây dựng dân dụng và hạ tầng… Đây là những lĩnh vực phụ thuộc lớn vào sức khỏe của thị trường bất động sản. Thậm chí, nhiều DN trong các lĩnh vực này còn thua lỗ trong năm 2022. Đơn cử, trong ngành thép, Công ty CP Thép Nam Kim báo lỗ 66,7 tỷ đồng; Công ty CP Thép Pomina lỗ 1.168 tỷ đồng; Tổng công ty Thép Việt Nam lỗ 822,4 tỷ đồng… Đối với DN đầu ngành là Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, khoản lỗ 2 quý cuối năm đã kéo tụt lợi nhuận cả năm của tập đoàn này còn 8.400 tỷ đồng, tương ứng với ROIC khoảng 5,5%.

Đối với lĩnh vực xi măng, ROIC của DN thuộc lĩnh vực này không khá hơn. Có thể kể đến Công ty CP Xi măng VICEM Hà Tiên có ROIC ở mức 3,75%; Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn là 2,55%; Công ty CP Xi măng VICEM Bút Sơn là 2,23%...

Trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, ROIC của Công ty CP Xây dựng Coteccons ở mức 0,22%; Công ty CP Đầu tư Xây dựng Ricons là 2,8%; Công ty CP Hưng Thịnh Incons là 2,2%; Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình báo lỗ 1.138 tỷ đồng nên ROIC chỉ là một giá trị âm.

Theo báo cáo của nhiều công ty chứng khoán, trong bối cảnh thị trường bất động sản được dự báo khó khăn, triển vọng kinh doanh của các lĩnh vực liên quan như sắt thép, xi măng, xây dựng… trong năm 2023 tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt trong môi trường lãi suất cao.

Chuyên đề